05/06/2024 08:12

Vay tiền online là gì? Vay tiền online có hợp pháp không?

Vay tiền online là gì? Vay tiền online có hợp pháp không?

Cho tôi hỏi việc vay tiền online có được xem là hình thức giao dịch dân sự hợp pháp hay không? Bạn Việt Đài (An Giang).

Chào bạn, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

Ngày nay, ngày càng có nhiều khách hàng lựa chọn vay tiền theo hình thức online vì sự nhanh chóng, thuận tiện. Nắm bắt được điều này, các nhóm đối tượng xấu đã lợi dụng sự phổ biến của việc vay tiền qua mạng nhằm mục đích cho khách hàng vay với lãi suất "cắt cổ". Vậy vay tiền online là gì và vay tiền online có hợp pháp không, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Vay tiền online là gì?

Hiện nay pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về việc vay tiền online. Tuy nhiên, thông qua hoạt động vay tiền qua mạng của khách hàng ta có thể hiểu vay tiền online một hình thức cho vay được thực hiện online thông qua các ứng dụng, website, mạng xã hội hoặc các nền tảng tương tự khác.

Tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về hợp đồng vay tài sản như sau:

"Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định".

Như vậy, vay tiền online là hình thức vay tiền mà các bên ký kết hợp đồng vay tài sản và thực hiện cho vay thông qua internet.

Vì vậy cho nên vay tiền online thực chất là giao dịch cho vay tín chấp, trong đó việc vay vốn sẽ phụ thuộc vào mức độ uy tín, thu nhập thực tế và lịch sử tín dụng của người vay để thực hiện cho vay.

Một số ứng dụng vay tiền online phổ biến có thể kể đến như: MoMo, Viettel Money, Home Credit,...

2. Vay tiền online có hợp pháp không?

Cũng theo Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 quy định thì giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trong đó, giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

Như vậy, vay tiền onlne được xem là một hình thức cho vay hợp pháp, bởi việc cho vay thông qua phương tiện điện tử vẫn được coi là giao dịch bằng văn bản theo quy định tại Điều 119 Bộ luật dân sự 2015.

Tuy nhiên, khi thực hiện vay tiền online thì lãi suất cho vay theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Nếu vượt quá 20% thì mức lãi suất này sẽ không có hiệu lực.

(Theo Điều 468 Bộ luật dân sự 2015)

Trường hợp bên thực hiện cho vay với lãi suất vượt quá mức quy định thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) theo mức khung hình phạt cụ thể như sau:

- Khung hình phạt cơ bản: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

- Khung hình phạt tăng nặng: Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Ngoài ra, người phạm tội cho vay lãi nặng còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngày nay, có rất nhiều các app cho vay mà khách hàng có thể thực hiện vay tiền online. Trong số đó, nhiều đối tượng thông qua app vay tiền online để thực hiện cho vay với lãi suất cao ngất ngưởng, dẫn đến việc người vay lâm vào cảnh nợ nần do không trả nổi khoản lãi khổng lồ.

Chính vì vậy, khi vay tiền online người dân cần tìm hiểu kỹ lưỡng về ứng dụng, trang web, đơn vị cho vay và cần nắm rõ các điều khoản trong hợp đồng/thỏa thuận vay tiền cùng các chính sách có liên quan để tránh việc bị "cho vay cắt cổ".

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
251

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn