04/11/2019 17:09

Vay tài sản, không trả nợ rồi bỏ trốn bị truy tố về tội gì?

Vay tài sản, không trả nợ rồi bỏ trốn bị truy tố về tội gì?

Khi vay tài sản nhưng sau đó không có khả năng hoàn trả, một số người người sẽ nghĩ đến cách bỏ trốn nhằm trốn tránh chủ nợ , trốn tránh nghĩa vụ thanh toán của mình. Nhưng nhiều người không biết rằng, hành vi vay nợ rồi bỏ trốn đã đủ các yếu tố để cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đọat tài sản.

Cụ thể tại Bản án 11/2019/HS-ST ngày 28/03/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh có nội dung như sau:

" Nguyễn Công T, sinh năm 1972 trú tại khu 3 phường T, thành phố B, tỉnh Bắc Ninh làm nghề kinh doanh mua bán máy khâu cũ. Thông qua các mối quan hệ xã hội, T có quen biết với anh Vũ Quốc Tr, sinh năm 1971 ở số 45 đường R, phường V, thành phố B, tỉnh Bắc Ninh. Trong quá trình kinh doanh, từ ngày 04/5/2015 đến tháng 8/2015, T đã nhiều lần vay tiền của anh Tr, các lần vay tiền T đều viết "Giấy mượn tiền". Nội dung trong các "Giấy mượn tiền" mà anh Tr giao nộp như sau:

- Ngày 04/5/2015, T mượn của anh Tr 50.000.000 đồng, thời hạn trả là ngày 13/5/2015;

- Ngày 08/6/2015, T mượn của anh Tr 20.000.000 đồng, thời hạn trả là ngày 18/6/2015;

- Ngày 13/8/2015, T mượn của anh Tr 100.000.000 đồng, thời hạn trả là ngày 13/9/2015;

- Ngày 17/8/2015, T mượn của anh Tr 50.000.000 đồng, thời hạn trả là ngày 17/9/2015;

- Ngày 26/8/2015, T mượn của anh Tr 50.000.000 đồng, thời hạn trả là ngày 26/9/2015;

- Ngày 28/8/2015, T mượn của anh Tr 50.000.000 đồng, thời hạn trả là ngày 06/9/2015. Trong giấy mượn tiền này, tại dòng 11, 12, 13 có dòng chữ "ngày 30-8-2015, T lấy thêm 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng chẵn)”.

Tổng số tiền mà T vay của anh Tr trên 06 giấy mượn tiền nêu trên là 520.000.000 đồng.

Sau khi vay tiền của anh Tr, T sử dụng tiền vào việc kinh doanh buôn bán máy khâu nhưng do làm ăn thua lỗ nên đến hạn trả nợ T không có tiền trả. Tháng 9/2015, T bỏ nhà đi khỏi địa phương mục đích để không phải trả nợ anh Tr số tiền trên. Trong thời gian bỏ trốn, T đã nhiều lần xuất cảnh sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài, sau đó T về Việt Nam nhưng không đăng ký tạm trú ở bất kỳ địa phương nào, mỗi nơi T chỉ ở thời gian ngắn mục đích để trốn nợ. Đến ngày 18/9/2018, sau khi biết đang bị Cơ quan điều tra truy nã, T đến Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nam Định đầu thú. Sau đó, Công an tỉnh Nam Định đã bàn giao T cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh để giải quyết" .

Ngày 28/03/2019, Tòa án nhân dân thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã tuyên phạt Nguyễn Công T 42 (bốn mươi hai) tháng tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiến đoạt tài sản.

Một người vay tiền để làm ăn, sau đó do không may nên thua lỗ đến tán gia bại sản là một điều không may, không ai mong muốn nhưng cũng là một tình cảnh ít nhiều xuất hiện và dần trở nên bình thường trong đời sống xã hội. Nhưng tại sao, từ một giao dịch dân sự bình thường, đáng lẽ ra nếu có tranh chấp sẽ đưa ra tòa án dân sự để giải quyết, nhưng kết quả là đưa một bên trong giao dịch vướng vào cảnh tù tội?

Trước hết, khi anh T vay tiền là đã phát sinh các giao dịch dân sự, cụ thể hai bên đã viết các giấy mượn tiền, là một hình thức của hợp đồng vay tài sản. Hợp đồng này là thỏa thuận giữa các bên theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Bên vay có nghĩa vụ trả lại tài sản và lãi cùng các nghĩa vụ khác được quy định cụ thể tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

Nếu trong trường hợp trên, anh T không có khả năng trả nợ, không bỏ trốn thì anh Tr (người cho anh T vay) muốn đòi quyền lợi của mình có thể khởi kiện tại tòa như là một vụ án dân sự bình thường. Nhưng do anh T bỏ trốn đã khiến cho vụ việc có dấu hiệu hình sự. Cụ thể, tổng hợp các tình tiết vay mượn tài sản có giá trị trên 4.000.000 đồng và hành vi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản đã đủ để cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tội này được quy định tại  điều  175 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

g) Tái phạm nguy hiểm.

…”

Như vậy, luật đã quy định rõ nếu vay, mượn tài sản có giá trị từ 4.000.000 đồng trở lên sau đó có hành vi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản thì đã đủ yếu tố để cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Mặc dù trong thực tiễn, một người sau khi vay, mượn, thuê tài sản bằng các hình thức hợp đồng rồi bỏ trốn, nhưng để chứng minh họ có bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hay không là vấn đề còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Do đó, đã phát sinh nhiều quan điểm khác nhau, có quan điểm cho rằng chỉ cần xác định được tình tiết một người nào đó khi nhận được tài sản bằng các hình thức hợp đồng rồi bỏ trốn, không trả tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp là đủ cơ sở kết luận người đó phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, không phụ thuộc vào lý do bỏ trốn của họ là nhằm mục đích gì. Trong thực tế đã chứng minh không phải tất cả mọi trường hợp bỏ trốn đều có ý thức chiếm đoạt tài sản.

Đây là một vướng mắc trong hoạt động áp dụng pháp luật nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để xác định tình tiết này. Nhưng nếu Cơ quan Điều tra nhận được tố cáo của người cho vay thì có thể người vay sẽ bị triệu tập đến làm việc hoặc phát lệnh truy nã.

Vì vậy, trong giao dịch dân sự có liên quan đến vay, mượn, thuê tài sản lớn nếu chẳng may bạn có rơi vào hoàn cảnh không có khả năng trả nợ thì nên tìm cách giải quyết vụ việc với người cho vay theo đúng quy định của pháp luật chứ không nên tìm cách bỏ trốn, tránh đưa bản thân vướng vào vòng lao lý.

Quang Chính
7541

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]