08/12/2023 15:15

Văn phòng Tỉnh ủy có chức năng gì? Cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Tỉnh ủy?

Văn phòng Tỉnh ủy có chức năng gì? Cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Tỉnh ủy?

Cho tôi hỏi: Văn phòng Tỉnh ủy có chức năng và nhiệm vụ gì? Văn phòng Tỉnh ủy được tổ chức như thế nào? Nhật Minh – Đồng Nai.

Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Văn phòng Tỉnh ủy có chức năng gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Quy định 137-QĐ/TW về chức năng của Văn phòng tỉnh ủy như sau:

- Là cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ tỉnh ủy và thường trực tỉnh ủy trong tổ chức, điều hành công việc, lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc; phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, thẩm định, đề xuất chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại; nguyên tắc, chế độ quản lý tài chính, tài sản của đảng bộ; là trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy; là đầu mối giúp thường trực tỉnh ủy xử lý công việc hằng ngày.

- Là đại diện chủ sở hữu đối với tài sản tại cơ quan của Đảng và đơn vị sự nghiệp của Đảng theo phân cấp ngân sách; là cơ quan đại diện chủ sở hữu tài sản tại các doanh nghiệp của Đảng (nếu có); làm đầu mối quản lý tài chính, tài sản của các đơn vị dự toán ngân sách cấp dưới trực thuộc; bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện và tổ chức phục vụ các hoạt động của tỉnh ủy.

2. Cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Tỉnh ủy

Cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Tỉnh ủy bao gồm:

- Lãnh đạo văn phòng tỉnh ủy

Gồm chánh văn phòng và các phó chánh văn phòng. Số lượng phó chánh văn phòng do ban thường vụ tỉnh ủy xem xét, quyết định.

- Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng tỉnh ủy có không quá 05 phòng:

+ Tổng hợp;

+ Quản trị;

+ Tài chính đảng;

+ Cơ yếu - Công nghệ thông tin;

+ Hành chính, lưu trữ.

Văn phòng Thành ủy Hà Nội, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có không quá 6 phòng.

Đồng thời, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Đảng (nếu có) thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

3. Những nhiệm vụ của Văn phòng Tỉnh ủy phải thực hiện

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Quy định 137-QĐ/TW về nhiệm vụ của Văn phòng Tỉnh ủy bao gồm:

- Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện

+ Nghiên cứu, đề xuất và giúp tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy tổ chức thực hiện chương trình công tác; xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế làm việc; sắp xếp chương trình công tác của đồng chí bí thư, các đồng chí phó bí thư và một số hoạt động của các đồng chí ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy theo quy chế làm việc và chương trình công tác; thực hiện công tác đối ngoại của tỉnh ủy; phối hợp và điều hòa hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy. Chủ trì, phối hợp tham mưu và tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính trong Đảng.

+ Tổng hợp tình hình tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định của Trung ương, của tỉnh ủy và hoạt động của các cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các cơ quan thuộc tỉnh ủy. Thông báo ý kiến kết luận, chỉ đạo của ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy, bí thư, phó bí thư và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện. Theo dõi, đôn đốc các tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, các cơ quan liên quan thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định. Thực hiện công tác thông tin phục vụ sự lãnh đạo của tỉnh ủy; chế độ cung cấp thông tin cho cấp ủy viên và các tổ chức. Giúp tỉnh ủy thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất.

+ Tiếp nhận, phát hành và quản lý các tài liệu, văn bản đến và đi của tỉnh ủy và văn phòng tỉnh ủy; quản lý, khai thác mạng cơ yếu của tỉnh ủy. Tổ chức quản lý, khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin, bảo vệ mạng thông tin diện rộng của đảng bộ; tổ chức quản lý, vận hành, khai thác đài điện báo của tỉnh ủy.

+ Quản lý, tổ chức khai thác tài liệu Phông Lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam thuộc thẩm quyền thu thập của lưu trữ lịch sử đảng bộ tỉnh, bao gồm tài liệu lưu trữ của các cơ quan, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội.

+ Quản lý tài chính, tài sản, chi tiêu ngân sách đảng; quản trị, tài vụ phục vụ hoạt động của cấp ủy và văn phòng tỉnh ủy; thực hiện xét duyệt quyết toán tài chính ngân sách đảng của các đơn vị dự toán trực thuộc.

Địa phương thực hiện mô hình văn phòng cấp ủy phục vụ chung thì văn phòng bảo đảm điều kiện vật chất, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động của tỉnh ủy và các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy; tiếp nhận, phát hành và quản lý tài liệu, đồng thời bảo đảm tài chính và cơ sở vật chất khác cho các cơ quan trực thuộc tỉnh ủy theo phân công, phân cấp.

+ Tham gia tổ chức, phục vụ đại hội đảng bộ tỉnh; chủ trì, phối hợp phục vụ hội nghị tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy và các hội nghị do thường trực tỉnh ủy triệu tập, các cuộc làm việc của bí thư, phó bí thư tỉnh ủy.

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát

+ Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn phòng, công tác tài chính, quản lý tài sản của Đảng cho các tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy và văn phòng cấp ủy cấp dưới; nghiệp vụ công tác văn thư, lưu trữ của các cơ quan, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương theo quy định của pháp luật về lưu trữ, các quy định của Ban Bí thư và hướng dẫn của Văn phòng Trung ương Đảng; công nghệ thông tin, nghiệp vụ công tác cơ yếu cho văn phòng cấp ủy cấp dưới và các cơ quan đảng thuộc tỉnh ủy.

+ Thực hiện kiểm tra, giám sát về nghiệp vụ văn phòng và chuyên đề công tác tài chính đảng đối với các tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy theo quy định và phân cấp quản lý tài chính hiện hành.

+ Chủ trì, phối hợp với ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, ban tổ chức tỉnh ủy và các cơ quan liên quan giúp tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc của tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy; đề xuất bổ sung, sửa đổi khi cần thiết.

- Thẩm định, thẩm tra

+ Đề án, văn bản của các cơ quan, tổ chức trước khi trình tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy về: Yêu cầu, phạm vi, quy trình, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản.

+ Nội dung đề án, văn bản thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và các lĩnh vực khác theo sự phân công của thường trực tỉnh ủy trước khi trình tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy.

- Phối hợp

+ Với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương của tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy về cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại; tham gia ý kiến với cơ quan nhà nước trong việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

+ Với các cơ quan liên quan xây dựng một số đề án, văn bản, chương trình hành động do tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy giao; biên tập hoặc thẩm định văn bản trước khi ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy ban hành.

+ Với ban tổ chức tỉnh ủy trong công tác cán bộ theo quy định của ban thường vụ tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của văn phòng tỉnh ủy theo phân cấp.

+ Với các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy để tham mưu, giúp tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định của Trung ương và của tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng; về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại; việc thực hiện chủ trương, chế độ, nguyên tắc quản lý tài chính, tài sản của tỉnh ủy.

+ Với cơ quan chức năng nhà nước trong việc quản lý quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và thực hiện dự án cho các cơ quan đảng theo quy định của pháp luật.

+ Với ban nội chính tỉnh ủy giúp thường trực tỉnh ủy tổ chức tiếp công dân.

+ Thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Đảng (nếu có).

- Thực hiện một số nhiệm vụ khác do ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy giao.

Như vậy, Văn phòng tỉnh ủy có các nhiệm vụ chính là:

- Nghiên cứu, đề xuất, thực hiện các công việc về chương trình, quy chế, tài chính, văn thư

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nghiệp vụ cho cấp dưới

- Thẩm định, thẩm tra văn bản trước khi trình cấp trên

- Phối hợp với cơ quan tham mưu thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, kinh tế - xã hội

- Thực hiện nhiệm vụ khác theo phân công của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
831

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn