25/02/2019 15:25

Vẫn bị kiện đòi nợ khi đã trả cho ba, mẹ người cho vay

Vẫn bị kiện đòi nợ khi đã trả cho ba, mẹ người cho vay

Có nhiều trường hợp chúng ta mượn tiền của một người nhưng lại trả tiền cho người thân của người đó để chuyển lại: Chẳng hạn như mượn tiền của A, đến lúc có tiền qua nhà trả nợ cho A nhưng không có A ở nhà nên trả tiền cho cha mẹ của A. Nếu mọi chuyện xuôn sẻ thì không sao, nhưng trong trường hợp ba mẹ của người A nói bạn chưa trả thì bạn vẫn có thể bị A khởi kiện để đòi lại tài sản.

Một vụ việc tương tự với tình huống trên và người cho vay đã khởi kiện người đi vay để trả toàn bộ số tiền vay mặc dù bên vay đã thanh toán gần một nửa số tiền vay cho mẹ của bên cho vay. Đây là nội dung của bản án 170/2017/DSST ngày 11/07/2017 về tranh chấp đòi lại tài sản của Tòa án Nhân dân huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Cụ thể của nội dung bản án như sau:

Vào năm 1993 bà N (nguyên đơn, bên cho vay) cho bà M và ông T( bị đơn, bên vay) vay số vàng 3,5 lượng vàng, khi vay vợ chồng bà M, ông T đến nhà của bà N nhận vàng, có làm biên nhận vàng lập ngày 11/10/1993.

Khi vào thực hiện hợp đồng thì bà N bị bắt giam do vi phạm pháp luật về hình sự và bị xử 10 năm tù, sau khi ra tù năm 2000 bà về có yêu cầu bà M và ông T trả số vàng 3,5 lượng vàng 24kara thì bà M và ông T nói là đã trả cho bà S (mẹ kế của N) nên không đồng ý trả nợ.

Tại phiên tòa bà M thừa nhận có vay của bà N 3,5 lượng vàng năm 1993, Tuy nhiên số vàng trên bà đã trả lại cho bà S 1,5 lượng và ông Trần Văn N ba của bà N 02 lượng vàng. Tuy nhiên phần 02 lượng vàng bà M nói trả cho ông N, bà M không có chứng cứ chứng minh cho việc trả này, chỉ có bà đưa cho ông N, còn bà S thì chỉ nghe nói lại có đưa cho ông N, bà N thì không đồng ý với lời trình bày của bà M.

Tòa án nhận định rằng bà M vay 3,5 lượng vàng của bà N nhưng trả không phải cho bà N mà là trả cho S 1,5 lượng, trả cho N 02 lượng, không có ý kiến hay ủy quyền của N là không đúng đối tượng của giao dịch dân sự.

Tòa đã quyết định buộc bà Lương Thị M trả cho bà Trần Thị N số tiền 119.105.000 đồng (Một trăm mười chín triệu, một trăm lẻ năm nghìn đồng) tương đương 3,5 lượng vàng 24kara. Căn cứ vào:

+ Điều 256, Bộ luật dân sự 2005( nay là Điều 166, Bộ luật Dân sự 2015);

+ Khoản 2, Điều 155; điểm d, khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự 2015;

+ Án lệ số 02/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016

+ Điều 23 Nghị Quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012;

+ Khoản 2 Điều 26; khoản 1 Điều 147; điểm c, khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự.

Đây cùng là bài học kinh nghiệm cho chúng ta khi thực hiện các giao dịch trong cuộc sống hằng ngày

+ Thứ nhất, khi thực hiện giao dịch dân sự phải có đầy đủ hợp đồng hoặc có văn bản thể hiện thông tin (như việc giao nhận tiền nhằm mục đích gì, giao dịch tại thời điểm nào, ở đâu…) cũng như chữ ký của các bên và tốt nhất là nên có người làm chứng. Trong trường hợp nếu trên với số tiền đã trả cho bà S thì bị đơn có thể khởi kiện yêu cầu bà S trả, nhưng với số tiền đưa cho ông N thì không vì không có bất kỳ gì chứng minh cả thêm nữa là ông N đã chết, càng khó đòi hơn.

+ Thứ hai, vay của ai thì trả cho người đó và khi trả đừng quên phải có xác nhận của bên cho vay hoặc những giấy tờ liên quan của việc vay nợ.

Đức Phong
1052

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn