Tại mục e Nhóm G1.4 Phụ lục G Quy chuẩn quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT về vạch kẻ kiểu mắt võng như sau:
Ý nghĩa sử dụng: Vạch kẻ kiểu mắt võng được sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông.
- Sử dụng vạch kẻ kiểu mắt võng ở các vị trí thích hợp (nút giao xử lý điểm đen tai nạn giao thông, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, nút giao với Đường sắt, cổng trường học, bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm hành chính). Vạch kẻ kiểu mắt võng có thể sử dụng để xác định phạm vi cấm dừng trong phạm vi nút giao giao cùng mức, trên nhánh dẫn cửa vào hoặc cửa ra của nút giao hoặc những vị trí mặt đường không cho phép dừng xe. Tùy theo mặt bằng nút giao rộng, hẹp để bố trí vạch 4.4 như dưới đây để đảm bảo cân đối, mỹ quan.
Minh họa:
Quy cách vạch như sau:
- Vạch mắt võng kiểu đơn giản: gồm vạch chéo trong lòng hình chữ nhật, màu vàng, bề rộng nét vẽ 20 cm - 40 cm (xem minh họa trên Hình G.38 và G.39.)
- Vạch mắt võng kiểu thông thường: vạch có nét vẽ màu vàng, vạch vành ngoài giới hạn phạm vi kẻ vạch mắt võng có bề rộng vạch 20 cm. Vạch mắt võng bên trong nghiêng 45° so với vành ngoài, vạch rộng 10 cm khoảng cách đường chéo 1 m - 5m.
Theo đó, khi thấy vạch mắt võng, người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông.
Hướng dẫn lái xe khi đi thấy vạch mắt võng trong những trường hợp như sau:
(1) Trên vạch mắt võng không có mũi tên chỉ hướng:
+ Lái xe đi qua vạch mắt võng thì không vi phạm luật;
+ Nếu dừng xe trên phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch mắt võng thì bị xem là vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của vạch kẻ đường.
(2) Trên vạch mắt võng có mũi tên xác định hướng phải đi:
+ Lái xe đi theo hướng phải đi của mũi tên được phép đi qua;
+ Nếu lái xe đi qua vạch nhưng không đi theo hướng mũi tên thì vẫn bị xem là vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của vạch kẻ đường.
Căn cứ theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì mức phạt không chấp hành hiệu lệnh của vạch mắt võng như sau:
Đối tượng | Mức phạt | CSPL |
Người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô | từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng | Khoản 1 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP |
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ | từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng | Khoản 1 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP |
Người điều khiển xe máy chuyên dùng | từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng | Khoản 1 Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP |
Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác | từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng | Khoản 1 Điều 9 Nghị định 168/2024/NĐ-CP |
Người đi bộ | từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng | Khoản 1 Điều 10 Nghị định 168/2024/NĐ-CP |
Người điều khiển, dẫn dắt vật nuôi, điều khiển xe vật nuôi kéo | từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng | khoản 1 Điều 11 Nghị định 168/2024/NĐ-CP |
Vạch kẻ đường bao gồm các loại vạch, chữ viết, hình vẽ ở trên mặt đường xe chạy, trên thành vỉa hè, trên các công trình giao thông và một số bộ phận khác của đường để quy định trật tự giao thông, khổ giới hạn của các công trình giao thông, chỉ hướng đi quy định của làn đường xe chạy.
Tại Điều 49 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT quy định về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 51/2024/TT-BGTVT có hướng dẫn phân loại vạch kẻ đường như sau:
- Dựa vào vị trí sử dụng, vạch kẻ đường được chia thành hai loại: vạch trên mặt bằng (bao gồm vạch trên mặt đường: vạch dọc đường, ngang đường và những loại vạch khác) và vạch đứng.
+ Vạch trên mặt bằng dùng để quy định các phần đường khác nhau trên mặt bằng có màu trắng trừ một số vạch quy định ở Phụ lục G có màu vàng. Trong một số trường hợp có thể sử dụng các màu sắc khác để nâng mức độ cảnh báo giao thông trên mặt đường.
+ Vạch đứng kẻ trên thành vỉa hè, các công trình giao thông và một số bộ phận khác của đường. Loại vạch này kết hợp giữa vạch vàng và vạch đen hoặc vạch trắng và vạch đỏ.
- Dựa vào phương pháp kẻ, vạch kẻ đường được chia thành ba loại như sau:
+ Vạch dọc đường là vạch kẻ dọc theo hướng xe chạy trên đường;
+ Vạch ngang đường là vạch kẻ có hướng cắt ngang đường hoặc hình thành một góc chéo với hướng xe chạy;
+ Các loại vạch khác là các loại ký hiệu chữ hoặc hình thức khác.
- Dựa vào chức năng, ý nghĩa sử dụng, vạch kẻ đường gồm: vạch hiệu lệnh, vạch cảnh báo, vạch chỉ dẫn, vạch giảm tốc độ.
- Dựa vào hình dáng, kiểu, vạch kẻ đường được chia thành hai loại sau:
+ Vạch trên mặt đường, trên thành vỉa hè (bó vỉa) hoặc ở ranh giới phân cách làn xe, gồm vạch kẻ liền và vạch kẻ đứt khúc;
+ Ký hiệu chữ và ký hiệu hình gồm chữ cái, chữ số hoặc hình vẽ trên mặt đường.