08/06/2024 17:52

Ủy viên ban chấp hành đảng bộ có những nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Ủy viên ban chấp hành đảng bộ có những nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Ủy viên ban chấp hành đảng bộ có những nhiệm vụ, quyền hạn gì? Mối quan hệ cộng tác của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc và các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc huyện ủy cụ thể là như thế nào?

Ban Chấp hành Trung ương vừa mới ban hành Quyết định 143-QĐ/TW năm 2024 về Quy chế làm việc mẫu của cấp ủy cấp huyện, trong đó có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên ban chấp hành đảng bộ.

1. Ủy viên ban chấp hành đảng bộ có những nhiệm vụ, quyền hạn gì? 

Cụ thể, theo Điều 4 Quyết định 143-QĐ/TW năm 2024 thì Ủy viên ban chấp hành đảng bộ có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

(1) Chịu trách nhiệm trước ban chấp hành đảng bộ huyện về công tác lãnh đạo của huyện ủy đối với cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách.

(2) Chủ động đề xuất chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp; chương trình hoạt động của huyện ủy, ban thường vụ và thường trực huyện ủy liên quan đến lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo ban thường vụ, thường trực huyện ủy các vấn đề mới, đột xuất, phức tạp vượt thẩm quyền.

(3) Chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giữ gìn sự thống nhất ý chí, hành động và đoàn kết trong Đảng; không nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép; kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Cùng với cấp ủy, tổ chức đảng nơi công tác lãnh đạo việc nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của cấp trên và của huyện ủy; chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác bảo vệ chính trị nội bộ ở cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách.

(4) gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự soi, tự sửa, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tích cực góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh ở nơi mình sinh hoạt, công tác; thực hiện hiệu quả mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”.

Có lối sống gương mẫu, trong sạch, lành mạnh; xây dựng gia đình văn hóa; không để vợ, chồng, con và người thân lợi dụng làm những việc trái quy định của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cá nhân; giữ mối liên hệ mật thiết với Nhân dân.

(5) Nghiêm chỉnh chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền; có quyền trình bày ý kiến khi cơ quan có thẩm quyền đánh giá, nhận xét, quyết định bố trí công tác, thi hành kỷ luật đối với mình.

(6) Trực tiếp phụ trách, chịu trách nhiệm hoặc tham gia công tác tổ chức, cán bộ; quan tâm bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ thay thế chức vụ mình đang đảm nhiệm. Nhận xét, đánh giá cán bộ; chỉ đạo triển khai các biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu và thực hành tiết kiệm; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ ở cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách; bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; chịu trách nhiệm đối với những sai phạm của tổ chức và cán bộ dưới quyền quản lý trực tiếp.

(7) Nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình; thực hiện kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân theo quy định của Đảng. Lắng nghe, cầu thị tiếp thu ý kiến góp ý, nhất là hạn chế, khuyết điểm của mình hoặc có liên quan đến mình. Có biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm do cấp có thẩm quyền kết luận tại các kỳ kiểm điểm.

Thực hiện chất vấn trong Đảng theo quy định. Cá nhân được phê bình, chất vấn có trách nhiệm tiếp thu, giải trình và trả lời rõ ràng về các nội dung chất vấn.

(8) Thường xuyên học tập, cập nhật thông tin, kiến thức mới và được bồi dưỡng, nâng cao trình độ về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực hoạt động thực tiễn.

(9) Tham dự đầy đủ các phiên họp huyện ủy; tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng nghị quyết, quyết định, văn bản của huyện ủy và cùng huyện ủy chịu trách nhiệm trong việc lãnh đạo tổ chức thực hiện. Chủ trì, phối hợp chuẩn bị nội dung được phân công phụ trách để trình huyện ủy, ban thường vụ huyện ủy. Tham gia các ban chỉ đạo, tiểu ban, tổ công tác, các tổ chức khác khi được cấp có thẩm quyền phân công.

(10) Có quyền bầu cử, ứng cử, đề cử, xin rút khỏi danh sách đề cử theo quy định của Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng.

(11) Thực hiện chế độ bảo mật thông tin, giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn của Đảng, Nhà nước.

(12) Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, được cung cấp và yêu cầu ban thường vụ huyện ủy cung cấp những thông tin cần thiết, kịp thời về hoạt động của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp trong huyện, về tình hình trong nước và quốc tế.

(13) Chấp hành nghiêm việc thực hiện trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong quan hệ, tiếp xúc với cá nhân, tổ chức nước ngoài theo quy định.

(14) Khi đi công tác (hoặc giải quyết việc cá nhân) ngoài tỉnh (thành phố) từ … ngày làm việc trở lên phải báo cáo trực tiếp hoặc bằng văn bản với thường trực huyện ủy (các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy căn cứ tình hình thực tiễn để hướng dẫn cụ thể).

2. Mối quan hệ cộng tác của cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc và các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc huyện ủy

Cũng theo Điều 13 Quyết định 143-QĐ/TW năm 2024 thì mối quan hệ công tác của các cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy cấp huyện với các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc và các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cụ thể như sau:

- Cấp ủy cấp huyện mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ, thường trực cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác đối với các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc và các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc và các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc và các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện chịu trách nhiệm trước cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy cấp huyện về thực hiện nhiệm vụ được giao và những quyết định của mình. Đề xuất với ban thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét, giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan nhiệm vụ chính trị của mình và của cấp huyện có liên quan đến địa phương, đơn vị mình. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo theo quy định.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
251

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn