Ngày 06/12/2024, Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW 2017 ban hành Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Theo đó, tại tiểu mục 1 Mục I Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 2024 thì mục đích của định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW 2017 như sau:
“Tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV và khóa XVI bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được Hiến pháp quy định nhằm xây dựng Chính phủ dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, phục vụ Nhân dân, tăng cường sự quản lý thông suốt từ Trung ương đến địa phương, trên cơ sở phân cấp, phân quyền hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Đồng thời, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW sẽ dựa trên các nguyên tắc sau:
Bám sát định hướng sắp xếp theo yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW 2017 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Tổ chức hợp lý các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; đồng thời sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, giảm đầu mối (cơ bản kết thúc mô hình tổng cục trong các bộ, cơ quan ngang bộ).
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đáp ứng điều kiện xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Cụ thể, tại Mục III Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 2024 đánh giá tác động sơ bộ việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính như sau:
Theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, trên cơ sở thực hiện phương án nêu trên, tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026-2031) được tinh gọn như sau:
- Có 13 Bộ, 04 cơ quan ngang Bộ (giảm 05 Bộ).
- Có 04 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 04 cơ quan thuộc Chính phủ).
- Tổ chức bên trong: Tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối, giảm mạnh các tổng cục, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục.
Sau khi sắp xếp thu gọn đầu mối, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ thì về cơ bản khắc phục được những vấn đề còn giao thoa hiện nay. Phương án này có ưu điểm, hạn chế và tác động như sau:
- Ưu điểm:
+ Hoàn thiện mô hình tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đối với một số lĩnh vực theo yêu cầu Nghị quyết 18-NQ/TW 2017, Nghị quyết 19-NQ/TW, Nghị quyết 56/2017/QH14, Kết luận 74-KL/TW, Kết luận số 50, 62-KL/TW, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm; đồng thời, điều chỉnh hợp lý về phân công quản lý nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực, khắc phục chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ.
+ Cùng với việc sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy Chính phủ nêu trên sẽ thực hiện sắp xếp lại tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng đội ngũ và tinh giản biên chế một cách triệt để gắn với thực hiện chính sách thu hút người có tài năng vào khu vực công theo đúng chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng.
- Hạn chế:
(1) Do số lượng cơ quan thuộc diện sắp xếp lớn, phạm vi tác động rộng, không tránh khỏi sự tác động đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người đang giữ chức vụ lãnh đạo.
(2) Thực hiện phương án sắp xếp này thì quy mô, phạm vi của một số Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực sẽ lớn, đặt ra yêu cầu cao đối với người đứng đầu Bộ và đội ngũ lãnh đạo Bộ. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị kỹ trong công tác nhân sự để bảo đảm triển khai phương án đồng bộ, hiệu quả.
- Đánh giá tác động:
+ Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ liên quan đến điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, cơ quan ngang bộ đang được quy định tại các luật chuyên ngành (qua rà soát 247 luật thì có 113 luật đang quy định về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thuộc đối tượng sắp xếp nêu trên). Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, thì sẽ có quy định điều khoản chuyển tiếp như sau: Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của một số bộ, cơ quan ngang bộ đã được quy định tại các luật, pháp lệnh hiện hành, nhưng nay có sự thay đổi về cơ cấu, tổ chức theo Nghị quyết này, thì được chuyển giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ tương ứng kể từ ngày các cơ quan này được sắp xếp lại. Giao Chính phủ quyết định việc phân định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định những vấn đề trong các luật chuyên ngành đang giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ theo quy định của Hiến pháp.
+ Để hạn chế tác động của việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đối với cán bộ, công chức, viên chức, cần có chính sách đủ mạnh, nổi trội đối với các đối tượng chịu tác động của quá trình sắp xếp, nhằm giảm áp lực về tư tưởng, tâm lý của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và bảo đảm quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Xem thêm:
Tên gọi mới của 13 bộ thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn tổ chức bộ máy
Không sáp nhập 08 Bộ và cơ quan ngang Bộ khi tinh gọn tổ chức bộ máy