05/06/2023 14:01

Tuyển tập các bản án về tranh chấp trợ cấp thôi việc

Tuyển tập các bản án về tranh chấp trợ cấp thôi việc

Tôi muốn tìm các bản án về tranh chấp trợ cấp thôi việc, mong Ban biên tập giúp tôi. Xin cảm ơn!_Anh Quân (Hà Giang)

Chào anh, Ban biên tập xin gửi đến anh một số bản án sau:

1. Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc

Theo Điều 46 Bộ Luật lao động 2019 quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc.

Theo đó người sử dụng lao động phải chi trả khoản tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên trong các trường hợp sau:

(1) Khi hết hạn hợp đồng lao động

(2) Khi đã hoàn thành công việc theo hợp đồng

(3) Khi người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động

(4) Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

(5) Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

(6) Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

(7) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

(8) Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

Như vậy, người lao động sau nghỉ việc thuộc một trong 8 trường hợp nêu trên có thời gian làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên sẽ được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định.

Người lao động nghỉ việc, đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc, mỗi năm làm việc sẽ được trợ cấp nửa tháng tiền lương. Cụ thể mức trợ cấp thôi việc được hưởng như sau:

Trợ cấp thôi việc = 1/2 x Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc x Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc

2. Một số bản án về tranh chấp trợ cấp thôi việc

Bản án 73/2019/LĐ-ST ngày 05/11/2019 về tranh chấp trợ cấp thôi việc

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

- Trích dẫn nội dung: “ Ông Lê Văn Th vào làm việc tại công ty cổ phần mía đường HH từ tháng 5/1998 đến tháng 6/2016 thì ông xin nghỉ việc vì lý do sức khỏe. Ông được công ty cổ phần mía đường HH ban hành quyết định về việc chấm dứt Hợp đồng lao động ký ngày 08/6/2016 do Tổng giám đốc công ty cổ phần mía đường HH ký. Tuy nhiên sau khi nghỉ việc công ty chưa thanh toán cho ông tiền trợ cấp thôi việc là 25.173.000 đồng. Sau đó Công ty cổ phần mía đường HH thống nhất trả số tiền trên cho ông Th và xin xét xử vắng mặt.”

Bản án 02/2021/LĐ-ST ngày 10/12/2020 về tranh chấp trợ cấp thôi việc

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

- Trích dẫn nội dung: “Ông Trịnh Văn D là công nhân khoan máy địa chất của Công ty TNHH MTV Tư vấn xây dựng Đ. Ngày 31/12/2019 Công ty TNHH MTV Tư vấn xây dựng Đ chấm dứt Hợp đồng lao động với ông kể từ ngày 31/12/2019. Từ khi chấm dứt hợp đồng lao động đến nay đã hơn 01 năm nhưng Công ty vẫn không thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho ông Trịnh Văn D, mặc dù ông đã yêu cầu nhưng Công ty vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ chi trả. Tại thời điểm ông D nghỉ việc mức lương được hưởng và cũng là mức lương để tham gia bảo hiểm với số tiền là 6.864. Thời gian công tác của ông tại Công ty từ tháng 01/2000 đến tháng 12/2019, nhưng thời gian để ông yêu cầu tính trợ cấp thôi việc từ tháng 01/2002 đến tháng 12/2008 với thời gian là 09 năm, mỗi năm ½ tháng lương. Do vậy, ông D đề nghị Tòa án giải quyết buộc Công ty TNHH MTV Tư vấn xây dựng Đ phải thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho ông theo mức mỗi năm lao động được ½ tháng lương. Cụ thể là 9 năm x 6.864.600/2 = 30.890.700đ.”

Bản án 45/2020/LĐ-ST ngày 21/09/2020 về tranh chấp trợ cấp thôi việc

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

- Trích dẫn nội dung: “Ngày 8/9/2000, ông D bắt đầu làm việc tại Công ty Phát triển căn hộ V. Ngày 08/11/2000 và các năm tiếp theo 2001-2002-2003-2004 hai bên ký hợp đồng xác định thời hạn 01 năm. Ngày 08/5/2005 thì hai bên ký hợp đồng không xác định thời hạn. Ngày 13/01/2020 ông D nộp đơn xin nghỉ việc có báo trước 45 ngày theo quy định, mức lương bình quân 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của ông là 28.486.000 đồng. Ngày 28/02/2020 Công ty cho ông nghỉ việc từ ngày 28/02/2020 với lý do: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Sau khi nghỉ việc, ông D đã làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và được Sở Lao động Thương binh và Xã hội - Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chi trả trợ cấp thất nghiệp 11 tháng, mỗi tháng hưởng số tiền 17.092.000 đồng. Khi nghỉ việc, ông yêu cầu Công ty trả trợ cấp thôi việc cho ông từ ngày 08/9/2000 đến ngày 31/12/2008 là 08 năm 02 tháng nhưng Công ty không đồng ý nên ông khởi kiện tại Tòa án yêu cầu buộc Công ty trả tiền trợ cấp thôi việc là: 121.068.332 đồng, trả một lần ngay khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.”

Bản án 03/2021/LĐ-ST ngày 10/12/2020 về tranh chấp trợ cấp thôi việc

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

- Trích dẫn nội dung: “Ông Nguyễn Như N là công nhân khoan máy địa chất của Công ty TNHH MTV Tư vấn Xây dựng điện Đ. Ngày 31/12/2019 Công ty TNHH MTV Tư vấn xây dựng Đ đã chấm dứt Hợp đồng lao động với ông từ ngày 31/12/2019. Từ khi chấm dứt hợp đồng lao động đến nay đã hơn 01 năm nhưng Công ty vẫn không thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho ông Nguyễn Như N, mặc dù ông đã yêu cầu nhưng Công ty vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ chi trả. Tại thời điểm ông N nghỉ việc mức lương được hưởng và cũng là mức lương để tham gia bảo hiểm với số tiền là 6.034.800đ. Thời gian công tác của ông tại Công ty từ tháng 10/2002 cho đến tháng 12/2019, nhưng thời gian để ông yêu cầu tính trợ cấp thôi việc từ tháng 10/2002 cho đến tháng 12/2008 với thời gian là 6,5 năm, mỗi năm ½ tháng lương. Do vậy, ông N đề nghị Tòa án giải quyết buộc Công ty TNHH MTV Tư vấn xây dựng Đ phải thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho ông theo mức mỗi năm lao động được ½ tháng lương. Cụ thể là 6,5 năm x 6.034.800/2 = 19.613.100đ.”

Bản án 05/2017/LĐ-PT ngày 21/11/2017 về tranh chấp trợ cấp thôi việc

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử:  Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh

- Trích dẫn nội dung: “Bà S làm việc cho Trường Quốc tế G với tổng thời gian là 03 năm từ ngày 01/7/2012 đến 30/6/2015 theo Hợp đồng lao động ký kết ngày 01/8/2012. Ngày 13/3/2015, Trường thông báo cho bà về các khoản lợi ích bà sẽ được hưởng khi hết hạn hợp đồng, trong đó không có khoản trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật lao động. Bà đã khiếu nại và Trường thông báo rằng họ không có nghĩa vụ trả trợ cấp thôi việc cho bà. Ngày 15/4/2015, Trường đã gửi thư xác nhận rằng bà sẽ không được chi trả tiền trợ cấp thôi việc khi hết hạn hợp đồng, với lí do: pháp luật không quy định về việc chi trả trợ cấp thôi việc đối với người lao động nước ngoài khi hợp đồng lao động chấm dứt; đồng thời bà không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật Bảo hiểm nên Trường đã trả thêm hàng tháng cho bà một khoản xem như là khoản đền bù duy nhất cho thời gian bà làm việc tại Trường khi hợp đồng lao động chấm dứt về việc làm mà hai bên đã ký kết. Do đó, nhà trường không phải trả thêm trợ cấp thôi việc cho bà. Bà không đồng ý với các lí do mà Trường đưa ra. Đến tháng 6/2015, bà nhận được các khoản thanh toán cuối cùng từ Trường Quốc tế G nhưng không bao gồm khoản tiền trợ cấp thôi việc. Do đó, bà khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Trường Quốc tế G phải trả cho bà số tiền trợ cấp thôi việc tạm tính là 10.487,49 USD tương đương 234.080.776,8 đồng.”

Hứa Lê Huy
1415

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn