26/03/2024 15:33

Tuyển tập bản án về tranh chấp thừa kế tài sản do không để lại di chúc

Tuyển tập bản án về tranh chấp thừa kế tài sản do không để lại di chúc

Tôi muốn hỏi cha, mẹ mất mà không để lại di chúc cho con thì di sản được chia thế nào? Có bản án về tranh chấp thừa kế tài sản do không để lại di chúc không để tôi tham khảo? "Bảo Vy - Hà Nam"

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Cha, mẹ chết mà không để lại di chúc cho con thì di sản được chia thế nào?

Theo Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những trường hợp thừa kế theo pháp luật bao gồm:

- Không có di chúc;

- Di chúc không hợp pháp;

- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Theo đó, phần di sản được thừa kế theo pháp luật bao gồm:

- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Đồng thời, tại Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cách phân chia di sản theo pháp luật như sau:

- Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.

- Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.

Như vậy, khi cha, mẹ chết không để lại di chúc cho con thì di sản sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật dựa trên mối nguyên tắc hàng thừa kế, trong cùng hàng chia đều, hàng sau không được hưởng nếu còn người hàng trước theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015.

2. Tuyển tập bản án về tranh chấp thừa kế tài sản do không để lại di chúc

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản (không để lại di chúc) số 12/2024/DS-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương

- Trích dẫn nội dung: “Nguyên đơn bà Đặng Thị X1 trình bày: Bố mẹ bà là cụ Đặng Văn N,chết năm 1978 và cụ Lê Thị X3, chết năm 2009. Hai cụ sinh được ba người con gồm bà Đặng Thị X1, bà Đặng Thị X3 và ông Đặng Thái B. Trước khi chết, cụ N cụ X3 để lại khối tài sản gồm: 1 nhà 5 gian, diện tích đất tại thôn V, xã T, huyện K, tỉnh Hải Dương. Hiện tại toàn bộ tài sản nhà, đất do ông B quản lý, sử dụng. Nguồn gốc đất là của ông cha để lại. Hai cụ không để lại di chúc trước khi chết. Sau khi mẹ bà mất được mấy ngày thì ông B có đưa cho bà tờ đơn, ông B nói là giao cho ông B 1 gian nhà và 2 gian bếp để thờ cúng các cụ nên bà có ký vào tờ giấy này. Do anh em không thỏa thuận phân chia được đất, bà X1 khởi kiện đề nghị Tòa án phân chia di sản của bố mẹ bà để lại là nhà 5 gian và diện tích đất 599 m2 tại thôn V, xã T, huyện K, tỉnh Hải Dương theo quy định của pháp luật. Bà xin hưởng bằng hiện vật là đất. Bị đơn ông Đặng Thái B trình bày: Về lý lịch gia đình như bà X1 đã trình bày. Trước khi bố mẹ ông mất không để lại di chúc. Bố mẹ ông khi còn sống có số tài sản là: Diện tích đất 1.896m2 và căn nhà cấp 4 do bố mẹ ông xây năm 1975. Đến năm 1977 bố mẹ ông tách cho ông diện tích đất 1.019m2 đất, bố mẹ ông chỉ cho bằng miệng. Bố mẹ ông cho ông hai phần đất ngoài trong đó có 1 cái ao, còn phần đất ở giữa bố mẹ ông sử dụng diện tích 877m2 trên đó có căn nhà của bố mẹ ông. Ông ở cùng với bố mẹ ông từ nhỏ đến năm 1971 thì ông lấy vợ là bà Bùi Thị Ngh, vợ chồng ông tiếp tục ở cùng đến khi bố mẹ ông mất. Hiện vợ chồng ông vẫn là người quản lý, sử dụng...”

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản (không có di chúc) số 309/2023/DS-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng

- Trích dẫn nội dung: “Ông Đào Văn X (là bố của bà Đào Thị L, ông nội của ông Đào Văn T) mất năm 1960, ông X có 02 đời vợ, vợ thứ nhất là bà La Thị G mất năm 1956 có 06 người con đến nay đã mất (trong đó ông Đào Văn O1 sinh được một cháu trai duy nhất là ông Đào Văn T); vợ thứ hai là bà Dương Thị H2 mất năm 2016, hạ sinh được bà Đào Thị L.Việc cưới hỏi giữa ông X và bà H2 cả họ tộc ai cũng biết và thừa nhận thể hiện qua việc đóng góp xây dựng chi, họ. Trước khi mất bà Đào Thị C1 (con vợ trước của ông X) từ N ra chưa có nhà ở về ở vợ chồng ông X, bà H2, hiện ông Nguyễn Quang C đang tiếp tục ở (bà Đào Thị C1 mất năm 2018). Ngôi nhà trên do ông Đào Văn X lập nên đến nay vẫn còn tồn tại nhưng đã xuống cấp, gia đình họp bàn sửa chữa nhưng ông Nguyễn Quang C không chấp nhận. Gia đình đã làm đơn gửi đến UBND xã T đề nghị xem xét giải quyết nhưng ông Nguyễn Quang C không đồng ý mà cho rằng đây là đất do bà Đào Thị C1 (mẹ của ông C) để lại. Ông Nguyễn Quang C tự ý kê khai đăng ký quyền sử dụng đất của ông bà để lại (không có di chúc) là trái đạo lý và quy định của pháp luật. Vì vậy, bà L, ông T là những người trong hàng thừa kế thứ nhất đề nghị TAND tỉnh Quảng Trị xem xét chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất..."

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản (không để lại di chúc) số 409/2023/DS-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương

- Trích dẫn nội dung: “Bà H khởi kiện yêu cầu chia di sản của cụ D, cụ T3 để lại giao cho bà L đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý sử dụng đất. Sau đó quyền sử dụng đất bị giải tỏa đền bù 2 nền tái định cư có tổng diện tích 292,4m2 thuộc thửa số 2417, 2418 tờ bản đồ số 3 tọa lạc tại khu phố C, phường B, thành phố D, tỉnh Bình Dương. Bà H chết nên ông P1, bà P, bà P3, bà X, ông C kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà H. Theo trình bày của ông P1, bà P3, bà P thì thống nhất yêu cầu khởi kiện của bà H chia di sản của cụ D, cụ T3 cho chi của bà H là 1/5 và nhận hiện vật 60m2. Theo trình bày của bà X thì thống nhất trình bày của bị đơn, không đồng ý chia di sản vì đây không phải di sản của cụ D, cụ T3. Còn đối với trình bày của ông C thì ông C yêu cầu chia theo quy định của pháp luật đối với di sản của bà L chết để lại trong đó gồm phần đất trước đây bà L được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có bản án sơ thẩm năm 2003 trong vụ án ông V tranh chấp yêu cầu chia di sản thừa kế đối với thửa đất theo đo đạc thực tế có diện tích 3.251,94m2 cấp cho ông Do ngày 17/01/1998 (theo Bản án số 13/DSST ngày 12/03/2003 của TAND huyện D). Đồng thời ông C cũng có ý kiến yêu cầu đối với phần tài sản các bên đang tranh chấp là 2 nền tái định cư phải được giải quyết theo quy định về thừa kế theo pháp luật vì di chúc của bà L để cho bà H1 một nền và bà A một nền là không phù hợp..."

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản (không có di chúc) số 55/2023/DS-ST

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh

- Trích dẫn nội dung: “Bà Phạm Hoàng Ngọc Ln và Bà Phạm Hoàng Mỹ L là con ruột của ông Phạm Văn Tr, sinh năm 1960(chết năm 2017). Khi còn sống, ông bà nội của bà là ông Phạm Văn Đ và bà Hoàng Thị C có tạo lập được tài sản là căn nhà số y ( hiện nay ai giữ bản chính Giấy chứng nhận thì 2 bà không được biết) đến năm 2008, bà C chết và năm 2009, ông Đ chết nhưng không để lại di chúc. Ông Đ và bà C có 05 người con là: Bà Phạm Thị T; Bà Phạm Thị Đ, sinh năm 1964 (bà T và bà Đ hiện sinh sống ở Mỹ); Bà Phạm Thị Ph; Ông Phạm Văn Tr là cha của 2 bà (chết năm 2017) và Ông Phạm Văn Th, sinh năm 1967. Căn nhà này hiện nay Ông Phạm Văn Th và gia đình ông Th đang quản lý sử dụng. Tuy nhiên, sau nhiều lần 2 bà yêu cầu các cô, chú, bác chia cho một phần tài sản thừa kế mà đáng lẽ ra cha của 2 bà còn sống được hưởng nhưng chúng tôi nhận được sự trả lời là chúng tôi không có quyền thừa kế. Vì vậy nay bà L và bà Ln làm đơn này yêu cầu Tòa án giải quyết: Yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của ông Phạm Văn Đ và bà Hoàng Thị C để lại theo pháp luật là căn nhà số y (hiện do ông Th và gia đình ông Th đang quản lý và sử dụng) thành 5 phần bằng nhau. Trị giá căn nhà thực tế khoảng 25 tỷ đồng. Kỷ phần thừa kế của chúng tôi được hưởng là 1/5 căn nhà tương đương là 5 tỷ đồng...”

Hứa Lê Huy
5504

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]