17/03/2023 15:52

Tuyển tập bản án về tranh chấp nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp

Tuyển tập bản án về tranh chấp nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp

“Tôi muốn tìm các bản án về tranh chấp nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp để tham khảo. Xin cảm ơn!” _ Nhung Huyền (Huế)

Chào chị, Ban biên tập xin gửi đến chị một số bản án về tranh chấp nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp tiêu biểu sau:

1. Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ số 01/2019/KDTM-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Trích dẫn nội dung: "Công ty Đ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Asano, hình” số 107919 ngày 25/8/2008 cho các hàng hóa Nhóm 07: Máy giặt, máy xay sinh tố chạy điện sử dụng trong gia đình, máy ép trái cây chạy điện sử dụng trong gia đình; Nhóm 09: Ti vi, đầu lọc đĩa DVD, loa, amply, Nhóm 11: Tủ lạnh, điều hòa không khí, nồi cơm điện,  lò vi sóng, lò nướng, bếp ga, quạt điện, bình đun nước chạy điện. Năm 2015, Công ty Đ phát hiện trên thị trường có Công ty Cổ phần Điện tử A Việt Nam sử dụng nhãn hiệu ASANZO để gắn vào các hàng hóa và dịch vụ Công ty A Việt Nam như ti vi, máy lạnh, máy xay sinh tố và nhiều hàng hóa gia dụng khác với kiểu dáng, mẫu mã nhãn hiệu giống với nhãn hiệu mà Công ty Đ đã được đăng ký bảo hộ.”

- Kết quả giải quyết: Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc Công ty A Việt Nam:

+ Chấm dứt hành vi xâm phạm, cụ thể là chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu “Asanzo, hình” dán trên giao diện trang wed có địa chỉ: http://asanzo.com.vn, biển hiệu, xe tải và các sản phẩm thuộc nhóm 7, 9, 11 đang lưu hành trên thị trường;

+ Xóa bỏ nhãn hiệu “Asanzo, hình” đã dán trên toàn bộ sản phẩm thuộc nhóm 7, 9, 11 đang lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam;

2. Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ số 01/2018/KDTM-ST

- Cấp xét xử: Sơ thẩm.

- Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên.

- Trích dẫn nội dung: "Như vậy kiểu dáng xe máy điện của bị đơn không khác biệt đáng kể với kiểu dáng xe được bảo hộ của nguyên đơn ở hầu hết các chi tiết xét về tổng thể. Đặc biệt bên cạnh sự khác biệt không đáng kể ở các đặc điểm truyền thống trong ngành sản xuất xe hai bánh, yếm xe và yên xe trong kiểu dáng xe của bị đơn được thế kế tương tự với yếm xe và yên xe trong thiết kế kiểu dáng xe đang được bảo hộ của nguyên đơn. Việc bị đơn thiết kế kiểu dáng xe không khác biệt đáng kể với các chi tiết dễ nhận biết, ghi nhớ và có khả năng phân biệt cao trong kiểu dáng của Nguyên đơn đã thể hiện ý đồ của bị đơn trong việc sao chép, sử dụng cả đặc điểm truyền thống và đặc điểm mới trong KDCN đã được bảo hộ của nguyên đơn."

- Kết quả giải quyết: Buộc công ty cổ phần E Việt Nam chấm dứt việc sử dụng kiểu dáng công nghiệp XE MÁY, các nhãn hiệu “ P2”, V”, “P và hình” của Công ty P được bảo hộ Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 20652. Buộc Công ty cổ phần E Việt Nam phải bồi thường cho Công ty P Tiền Công ty P thuê Luật sư là 200.000.000 đồng...

3. Bản án 60/2020/KDTM-PT ngày 10/09/2020 về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

- Cấp xét xử: Phúc thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Trích dẫn nội dung: "Về chi phí Công ty T thuê luật sư: Bị đơn không đồng ý vì khi bị đơn nhập khẩu hàng, bị đơn hoàn toàn không nhận được thư thông báo, hoặc thư cảnh báo về hàng giả từ phía nguyên đơn, vì vậy bị đơn hoàn toàn không biết về hành vi vi phạm của mình cho đến khi có quyết định xử phạt hành chính của Chi cục quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn nữa, đại diện bị đơn thấy rằng chi phí luật sư nguyên đơn đưa ra không hợp lý, phía luật sư của nguyên đơn chỉ thưc hiện được các công việc như tư vấn, trợ giúp pháp lý, soạn thảo chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và tham gia tố tụng tại Tòa án ...... nên mức chi phí luật sư là 20.000.000 mới phù hợp với thực tế và phù hợp với quy định của pháp luật."

- Kết quả giải quyết: Công ty TNHH dược phẩm P phải chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với kiểu dáng công nghiệp “Hộp cao dán”; chấm dứt hành vi giả mạo nhãn hiệu AIKIDO của Công ty TNHH dược phẩm T, cụ thể là chấm dứt ngay việc nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông, quảng cáo, chào bán sản phẩm miếng dán chườm lạnh gắn nhãn hiệu “Aikido” trên toàn lãnh thổ Việt Nam...

4. Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ số 17/2019/KDTM-ST

- Cấp xét xử: Sơ thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

- Trích dẫn nội dung: "Việc sử dụng yếu tố/dấu hiệu “Đồng T” sau khi Bị đơn đã thay đổi đăng ký kinh doanh thành Công ty Asea Đồng T mà không có sự cho phép của nguyên đơn là hành vi trái pháp luật, trực tiếp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại và nhãn hiệu Hiệu Đồng T đang được Nhà nước bảo hộ cho Nguyên đơn."

- Kết quả giải quyết: Buộc bị đơn chấm dứt hành vi xâm phạm nhãn hiệu Hiệu Đồng T; Buộc Công ty cổ phần Bột Thực phẩm ASEA Đ, trụ sở tại: thôn V, xã T, huyện Th, thành phố Hà Nội, có địa điểm kinh doanh tại: thôn 1, xã Đ, huyện Th, thành phố Hà Nội chấm dứt hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại Đồng T và phải tiến hành thủ tục đổi tên doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội bằng cách xóa bỏ dấu hiệu tên “ĐỒNG T” ra khỏi tên doanh nghiệp, tên giao dịch, tên viết tắt của mình...

5. Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ (kiểu dáng không có khác biệt đáng kể) số 36/2018/KDTM-ST

- Cấp xét xử: Sơ thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân TP Hà Nội.

- Trích dẫn nội dung: "Về mặt tổng thể không có khác biệt đáng kể về kiểu dáng xe điện của Bị đơn được coi là bản sao của kiểu dáng được bảo hộ trong Văn bằng số 20652 với phần đầu xe nhô cao, đèn pha hình tròn nhô về phía trước, phần yếm dẹt và mở rộng đều sang hai bên, chỗ để chân rộng và thấp, phần đuôi to và thon dần về phía sau. Không chỉ hình dạng mà cách bố trí và tỷ lệ kích thước giữa các bộ phận của hai kiểu dáng cũng tương tự nhau. Sự không khác biệt đáng kể về mặt tổng thể được thể hiện rõ trên các hình vẽ và ảnh chụp."

- Kết quả giải quyết: Buộc Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ D chấm dứt việc sử dụng trái phép kiểu dáng công nghiệp “XE MÁY” được bảo hộ theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 20652 của Công ty P & C.S.p.A và các kiểu dáng khác không khác biệt đáng kể đối với kiểu dáng “XE MÁY” được bảo hộ Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 20652...

6. Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ số 12/2022/KDTM-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Trích dẫn nội dung: "theo quy định tại khoản 5 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về các hành vi sử dụng nhãn hiệu thì sử dụng tên thương mại không phải là hành vi sử dụng nhãn hiệu. Do vậy, việc Công ty M cho rằng Công ty F sử dụng tên thương mại là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ để khởi kiện yêu cầu buộc Công ty F phải thay đổi tên thương mại đảm bảo không tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ của Công ty M là không có căn cứ nên không được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận là có cơ sở, đúng pháp luật."

- Kết quả giải quyết: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - Công ty M đối với bị đơn - Công ty F.

Nguyễn Thị Sáng
8803

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]