Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo quy định pháp luật hiện nay buộc thôi việc là hình thức xử lý kỷ luật áp dụng đối tượng là công chức, viên chức. Còn đối với doanh nghiệp thì không có quy định buộc thôi việc, mà người sử dụng lao động có quyền hạn ra quyết định kỷ luật lao động là sa thải người lao động.
Một số trường hợp buộc thôi việc đối với công chức như:
Điều 13. Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm;
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này;
…
Một số trường hợp buộc thôi việc đối với viên chức như:
Điều 19. Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý mà tái phạm;
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định này;
…
(Căn cứ Điều 13, 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP)
Các hình thức xử lý kỷ luật sa thải người lao động làm việc trong doanh nghiệp:
Tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:
- Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
- Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
- Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này;
- Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Như vậy, người lao động trong doanh nghiệp bị sa thải trong các trường hợp: trộm cắp, gây thương tích; tiết lộ bí mật, gây thiệt hại cho người sử dụng lao động; tái phạm sau khi bị kỷ luật; tự ý bỏ việc.
Còn đối với công chức, viên chức bị buộc thôi việc trong các trường hợp như: vi phạm nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; sử dụng văn bằng giả; đã bị kỷ luật nhưng tái phạm…
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh.
- Trích dẫn nội dung: Bà Huỳnh Thị Thu Tr (nguyên đơn) là viên chức giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường THCS L. Ngày 29/10/2020, Chủ tịch UBND huyện G ban hành Quyết định điều động bà Tr giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường THCS T. Tuy nhiên, bà Tr không nhận quyết định và không đến nhận nhiệm vụ mới. Ngày 04/01/2021, Chủ tịch UBND huyện G ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với bà Tr vì không chấp hành quyết định điều động và bỏ việc không có lý do chính đáng.
Bà Tr khởi kiện yêu cầu hủy quyết định kỷ luật này. Tại bản án sơ thẩm số 06/2022/LĐ-ST ngày 23/9/2022, Tòa án nhân dân huyện G chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Tr.
Chủ tịch UBND huyện G kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm số 07/2022/LĐ-PT ngày 01/12/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh chấp nhận kháng cáo của Chủ tịch UBND huyện G, sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Tr.
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình.
- Trích dẫn nội dung: Ông Trần Xuân P1 (nguyên đơn) là viên chức công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện M, tỉnh Quảng Bình. Tháng 12/2013, ông P2 là Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện M ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với ông P1 vì ông P1 có hành vi chiếm đoạt 38,4 triệu đồng của chương trình phòng chống lao.
Ông P1 khởi kiện yêu cầu hủy quyết định kỷ luật này. Tại bản án sơ thẩm số 01/2014/LĐ-ST ngày 30/10/2014, Tòa án nhân dân huyện Minh Hóa bác đơn khởi kiện của ông P1.
Ông P1 kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm số 01/2015/LĐPT ngày 12/2/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình không chấp nhận kháng cáo của ông P1, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Trích dẫn nội dung: Bà Đinh Thị Thu T (nguyên đơn) là giáo viên Trường mẫu giáo H, Thị xã K, tỉnh Long An. Tháng 6/2015, UBND Thị xã K ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với bà T vì bà T có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo.
Bà T khởi kiện yêu cầu hủy quyết định kỷ luật trên và yêu cầu bồi thường tiền lương, bảo hiểm trong thời gian bị kỷ luật.
Tại bản án sơ thẩm số 01/2018/LĐ-ST ngày 05/12/2018, TAND tỉnh Long An chấp nhận một phần yêu cầu của bà T, hủy quyết định kỷ luật vì sai về thẩm quyền.
Bà T kháng cáo yêu cầu bồi thường. Tại bản án phúc thẩm số 04/2019/LĐ-PT ngày 22/10/2019, TAND cấp cao tại TP.HCM không chấp nhận kháng cáo của bà T, sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà T.
Trân trọng!