08/02/2023 11:55

Tuyển tập bản án về tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng QSDĐ

Tuyển tập bản án về tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng QSDĐ

Tôi muốn tìm một số bản án về tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán đất đai để tham khảo? "Hoàng Minh-Bắc Ninh"

Dưới đây, là một số bản án về tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng QSDĐ, mời anh tham khảo:

1. Bản án về tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 09/2022/DS-PT

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận

- Trích dẫn nội dung: “Đặt cọc là để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng, pháp luật không cấm người không phải là chủ sở hữu tài sản ký hợp đồng đặt cọc. Mặt khác, trong trường hợp này, thực tế ông Ư đã nhận chuyển nhượng đất từ vợ chồng ông T, bà L và sau khi ký hợp đồng đặt cọc, mặc dù đất chưa sang tên cho ông Ư nhưng ông Ư vẫn bảo đảm việc giao kết hợp đồng, cụ thể ông A đã nhận chuyển nhượng và đã được đăng ký biến động sang tên thửa đất có diện tích 1.186m2 vào ngày 20/11/2019. Đối với thửa đất có diện tích 600m2 chưa được cấp giấy chứng nhận, theo hợp đồng đặt cọc thì hai bên thỏa thuận khi bên ông Ư đã hoàn tất thủ tục pháp lý (cấp sổ) cho ông A thì ông A chuyển tiếp phần còn lại là 1.000.000.000 đồng cho ông Ư. Xét thỏa thuận này không trái pháp luật và đến thời điểm nguyên đơn nộp đơn khởi kiện bị đơn thì nguyên đơn cũng chưa vi phạm thỏa thuận này. Mặt khác, tại phiên tòa, ông A thừa nhận việc ký hợp đồng đặt cọc với ông Ư là hoàn toàn tự nguyện, khi ký hợp đồng đặt cọc, ông A đã biết tình trạng pháp lý của các thửa đất. Do đó, việc ông A cho rằng ông Ư không phải là người chủ sử dụng hợp pháp đối với các thửa đất nên không được quyền ký hợp đồng đặt cọc và đề nghị tuyên bố hợp đồng đặt cọc vô hiệu, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông A là hoàn toàn có căn cứ.”

2. Bản án về tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 131/2021/DS-PT

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương

- Trích dẫn nội dung: “Bà T cho rằng khi thỏa thuận chuyển nhượng thì hai bên thương lượng giá trị chuyển nhượng được tính theo diện tích đo đạc thực tế nhưng khi tiến hành đo đạc thực tế diện tích đất phải trừ diện tích hành lang nên bà T yêu cầu ông T giảm giá tiền nhưng ông T không đồng ý. Đồng thời, khi tiến hành đo đạc thì bà T mới phát hiện người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hai phần đất chuyển nhượng là bà Phạm Thị Thanh L là con gái ruột của ông T chứ không phải ông T.’

3. Bản án 17/2021/DS-ST ngày 19/03/2021 về hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện T

Trích dẫn nội dung: “Ông P và bà T có văn bản đề nghị Tòa án hoãn phiên tòa, tạm đình chỉ xét xử và đình chỉ vụ án với lý do ông P bị bệnh tâm thần nhưng ông M, bà M ép ông P ký hợp đồng đặt cọc bán nhà và đất với số tiền 150.000.000 đồng đối với thửa đất 1131 tờ bản đồ số 3, diện tích 90.3m2 loại đất ONT tọa lạc tại Ấp 7, xã N, huyện T, tỉnh L là trái qui định của pháp luật, thực tế ông P chỉ mượn tiền của ông M, bà M với số tiền là 50.000.000 đồng. Ngày 13/01/2021 Tòa án đã thông báo cho ông Võ Tấn P và bà Lê Thị T cung cấp tài liệu chứng minh giao dịch giữa ông M, bà M và ông P là giao dịch vay mượn tiền và quyết định của Tòa án tuyên ông P là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi nhưng hết thời hạn ông P và bà T không cung cấp”

4. Bản án 285/2020/DS-PT ngày 06/11/2020 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương

- Trích dẫn nội dung: "Ngày 8/8/2018, bà L từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với ông C, bà L khai có điện thoại yêu cầu ông C ra công chứng thực hiện việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng ông C nói trong điện thoại là không tiếp tục mua đất nữa, ngoài ra bà L không cung cấp được chứng cứ nào khác, ông C không thừa nhận. Do bà L từ chối giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nên ngày 11/07/2018, ông C làm đơn khởi kiện bà L ra Tòa án yêu cầu bên nhận đặt cọc bà L đã từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc số tiền 100.000.000 đồng."

5. Bản án 1007/2019/DS-PT ngày 11/11/2019 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương

- Trích dẫn nội dung: "Do hai bên đều biết phần đất chuyển nhượng là đất nông nghiệp nhưng vẫn tiến hành chuyển nhượng nên hai bên có lỗi ngang nhau trong việc thực hiện giao dịch đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói trên khi giao dịch bị vô hiệu, không bên nào có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên nào, mà cần buộc hai bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Tòa án cấp sơ thẩm không xác định hợp đồng đặt cọc nói trên bị vô hiệu, để làm căn cứ hủy bỏ các hợp đồng đặt cọc và giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu là chưa chính xác."

Bùi Thị Như Ý
7028

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]