29/04/2021 15:54

Tuyển tập bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

Tuyển tập bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

Bảo hiểm là một hình thức quản lý rủi ro, bảo vệ cá nhân và doanh nghiệp trước các tổn thất về tài sản, sức khỏe, tính mạng. Thực tế, không phải trường hợp nào khi gặp sự cố cũng được bảo hiểm chi trả.

Dưới đây là tổng hợp các bản án có nội dung về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hoặc phi nhân thọ:

1. Bản án 31/2019/DS-PT ngày 05/04/2019 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang

- Trích dẫn nội dung: “Tại phiên tòa ông T một lần nữa cũng được Hội đồng xét xử giải thích cho ông biết việc ông kiện tranh chấp hợp đồng bảo hiểm yêu cầu thanh toán trả lại tiền phí bảo hiểm thì bị đơn ông phải xác định là Công ty bảo hiểm đã giao kết hợp đồng với ông và đang quản lý số tiền phí bảo hiểm trên chứ bị đơn không phải là ông T1, bà C vì ông bà chỉ là tư vấn viên, không có thẩm quyền đại diện cho pháp nhân ký kết; sau khi thu tiền ông bà đã nộp về công ty theo đúng quy định nhưng ông Trần Văn T không thay đổi, không bổ sung và không rút đơn khởi kiện mà vẫn giữ nguyên việc khởi kiện và các yêu cầu trên là không có cơ sở để chấp nhận. Nhận định của Tòa án nhân dân huyện Lục Nam là có căn cứ.”

2. Bản án 688/2018/DSPT ngày 18/07/2018 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

- Trích dẫn nội dung: “Đối với việc công ty thông báo chấm dứt hợp đồng bảo hiểm đối với cháu Ngân vào ngày 15/4/2015 ông có biết vì thời điểm đó cháu N chưa mất và ông vẫn còn là đại lý bảo hiểm của công ty. Sau khi cháu N mất, ông M có nộp đơn khiếu nại gửi chính quyền địa phương, ngày 25/4/2016 trong buổi hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã T ông đã trả lại cho ông M số tiền 3.000.000 đồng là tiền hoa hồng bán sản phẩm bảo hiểm cho cháu N mà ông được hưởng từ công ty M.”

3. Bản án 610/2020/DS-PT ngày 30/06/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

- Trích dẫn nội dung: “Trong Đơn yêu cầu bảo hiểm nhân thọ ký ngày 20/01/2012 trong phần F các câu hỏi về thông tin sức khỏe của người được bảo hiểm. Tại câu hỏi số 38 ghi tên và địa chỉ bệnh viện/trung tâm y tế nơi người được bảo hiểm thường thăm khám hoặc đăng ký khám bảo hiểm y tế. Bà L khai “Không có”; tại câu hỏi số 39 lý do đến khám, địa chỉ nơi khám và ngày khám bệnh cuối cùng, bà L khai: “Không thăm khám 5 năm gần đây”. Tại phiên tòa bà L thừa nhận bà là đại lý tư vấn bảo hiểm của Công ty M đối với câu hỏi số 38, 39 bà không khai là thiếu sót.”

4. Bản án 19/2020/DS-PT ngày 12/11/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị

- Trích dẫn nội dung: “Ngày 21/12/2015, bà Nguyễn Thị Thùy Tr ký kết Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ số 568701090 với Tổng Công ty Bảo Việt Nh, số tiền bảo hiểm là 300.000.000 đồng, thời hạn bảo hiểm: 20 năm từ ngày 15/12/2015 đến hết ngày 14/12/2035, người thụ hưởng chị Trương Nguyễn Tú Tr. Quá trình thực hiện bảo hiểm, ngày 02/11/2018 bà Nguyễn Thị Thùy Tr chết. Sau khi bà Trchết, chị Tr đã làm hồ sơ gửi đến Công ty Bảo Việt Nh Quảng Trị đề nghị giải quyết quyền lợi bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng.”

5. Bản án 116/2020/DS-PT ngày 10/06/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk

- Trích dẫn nội dung: “Từ khi tai nạn xảy ra, đại diện PTI TN và đại diện E đều được tham gia làm việc với Cơ quan công an huyện Đắk R ngay từ đầu nhưng phía PTI hoàn toàn không có giải thích, hướng dẫn cụ thể cho tôi về quy trình, thủ tục, điều kiện để được thụ hưởng bảo hiểm và tôi hoàn toàn không biết việc tôi nhận tiền hỗ trợ từ anh L và anh Tr được PTI dùng làm cơ sở đề từ chối bồi thường cho tôi.”

6. Bản án 33/2020/DS-PT ngày 30/06/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam

- Trích dẫn nội dung: "Do trong Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản các bên không có thỏa thuận về thời hạn phải trả tiền bảo hiểm nên Tổng Công ty Bảo hiểm B phải có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho ông N trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm theo quy định tại Điều 29 Luật Kinh doanh bảo hiểm.”

7. Bản án 08/2017/DS-PT ngày 12/12/2017 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định

- Trích dẫn nội dung: “Công ty bảo hiểm P thống nhất giá trị tổn thất 1,5 tỷ đồng; tuy nhiên khi tàu bị chìm tại vị trí tọa độ 16005’N, 116015’E trên vùng biển Hoàng Sa là không nằm trong vùng hoạt động của tàu theo đăng kiểm thuộc điểm loại trừ bảo hiểm nên không thuộc trách nhiệm bồi thường của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm P.”

8. Bản án 92/2020/DS-PT ngày 25/02/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

- Trích dẫn nội dung: “Công ty L thống nhất xác nhận lời trình bày đại diện Ông Huỳnh Thanh V về việc tham gia bảo hiểm vật chất xe ô tô biển số: 61A - 20474, thời gian bảo hiểm, tiền bảo hiểm, phí bảo hiểm, quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm, sự kiện hư hỏng xe ô tô biển số: 61A – 20.474 ngày 07/11/2015 là đúng. Công ty L không đồng ý khi Ông Huỳnh Thanh V cho rằng nguyên nhân làm xe hư hỏng, trách nhiệm bồi thường tổn thất Công ty L phải chịu.”

Như Ý
11645

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn