Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định thì thì hàng giả bao gồm những loại hàng hóa sau đây:
- Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
- Thuốc giả và dược liệu giả theo quy định tại Luật Dược 2016;
- Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;
- Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn:
+ Giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa;
+ Giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác;
+ Giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.
- Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.
Bản án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả số 17/2023/HS-ST
Cấp xét xử: Sơ thẩm
Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi
Trích dẫn nội dung: Ngày 07/9/2020, Lê Tấn H điều khiển xe ô tô chở 14 thùng phuy chứa 2.994 lít dầu Điêzen giả đến Cửa hàng xăng dầu N để bán cho ông B. Tại đây, dưới sự chứng kiến của ông B, H hút dầu Điêzen giả chứa trong 10 thùng phuy để bơm theo ống cao su xuống ngăn chứa phía Bắc của bồn chứa phía Đông toàn bộ dầu Điêzen giả chứa trong 10 thùng phuy. Sau đó, H nói với ông B mua luôn số dầu Điêzen chứa trong 04 thùng phuy còn lại thì ông B đồng ý. Tuy nhiên, H chưa kịp bơm dầu Điêzen chứa trong 04 thùng phuy còn lại thì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi phát hiện, bắt quả tang tạm giữ Lê Tấn H cùng một số đồ vật liên quan. Tòa án tuyên bố bị cáo H phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và xử phạt bị cáo 200 triệu đồng.
Bản án về tội buôn bán hàng giả số 314/2022/HS-ST
Cấp xét xử: Sơ thẩm
Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương
Trích dẫn nội dung: Từ tháng 01 đến tháng 04/2021, Cao Văn P tiếp tục yêu cầu Đặng Công B là nhân viên giao hàng của công ty đi vào nhà máy H lấy hàng theo yêu cầu của công ty K để đi giao. Tương tự như lần trước, P cho B về kho ở Đông Hòa, Dĩ An lấy thêm ống thép nhúng nóng giả nhãn hiệu Hòa Phát xuống công trình W giao cho nhà thầu K. Nhà thầu K chỉ yêu cầu Công ty V cung cấp ống thép Hòa Phát phi 113.5 nhưng thực tế P đã bỏ xen lẫn phi 114.3 cung cấp cho nhà thầu K là ống thép giả P mua trôi nổi trên thị trường không đúng với hợp đồng và bảng báo giá mà Công ty V đã báo giá cho nhà thầu K. Tại phiên tòa, tòa án tuyên bố bị cáo P phạm tội buôn bán hàng giả và xử phạt 02 năm 06 tháng tù giam, nhưng cho hưởng án treo.
Bản án về tội buôn bán hàng giả là thực phẩm số 30/2022/HS-ST
Cấp xét xử: Sơ thẩm
Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Tân Phú, tỉnh An Giang
Trích dẫn nội dung: Ngày 22/4/2021, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang phối hợp cùng với Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh An Giang, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Ma túy - Công an huyện Phú Tân và Trung tâm Y tế huyện Phú Tân kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh Phan Thị Bích T. Qua kiểm tra phát hiện những vi phạm như sau: không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và sản xuất thực phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Đoàn liên ngành còn phát hiện nhiều tang vật vi phạm. Căn cứ vào các chứng cứ thu thập được, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Tân đã truy tố ra trước Tòa án để xét xử T về tội “Buôn bán hàng giả là thực phẩm” theo khoản 1 Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015.
Bản án về tội buôn bán hàng giả số 122/2022/HS-ST
Cấp xét xử: Sơ thẩm
Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh
Trích dẫn nội dung: Lúc 10 giờ 00 phút ngày 05/08/2020, Đội kinh tế - chức vụ Công an quận Thủ Đức (nay là Công an thành phố Thủ Đức) tiến hành kiểm tra tại Trung tâm Bảo hành và Dịch vụ N do Vũ Thị N làm chủ, thu giữ các sản phẩm phụ tùng xe gắn máy. Tại thời điểm kiểm tra, N không xuất trình được nguồn gốc, hóa đơn chứng từ về số sản phẩm phụ tùng xe gắn máy hiệu Honda và Yamaha trên nên đưa N cùng vật chứng về trụ sở lập biên bản xử lý. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã truy tố Vũ Thị N về tội “Buôn bán hàng giả” theo điểm a khoản 1 Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Trân trọng!