Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp thắc mắc của chị như sau:
Tẩu tán tài sản là hành vi xác lập các giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thứ ba. Theo đó, các giao dịch thường được lập để nhằm mục đích tẩu tán tài sản đó là giao dịch về mua bán, tặng cho, chuyển nhượng.
Các giao dịch nhằm mục đích tẩu tán tài sản là vô hiệu do giả tạo theo quy định tại Điều 124 Bộ luật dân sự năm 2015.
"Điều 124. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo
1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu."
Ngoài ra, Khoản 11 Điều 1 Nghị định 33/2020/NĐ-CP có quy định
“1. Trường hợp tài sản đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà phát sinh các giao dịch liên quan đến tài sản đó thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để thi hành án. Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó.
Trường hợp có giao dịch về tài sản mà người phải thi hành án không sử dụng toàn bộ khoản tiền thu được từ giao dịch đó để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc có tài sản khác nhưng không đủ để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án thì xử lý như sau:
a) Trường hợp có giao dịch về tài sản nhưng chưa hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản theo quy định. Khi kê biên tài sản, nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự, trường hợp cần tuyên bố giao dịch vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự.
Trường hợp có giao dịch về tài sản kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng đã hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng thì Chấp hành viên không kê biên tài sản mà thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự và có văn bản thông báo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để phối hợp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.
Việc xử lý tài sản được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền.
b) Trường hợp có các giao dịch khác liên quan đến tài sản mà không chuyển giao quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất cho người khác thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản để thi hành án. Quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia giao dịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và các quy định của pháp luật có liên quan.”
Trong trường hợp giao dịch dân sự nhằm tẩu tán tài sản bị Tòa án tuyên là vô hiệu sẽ phát sinh những hậu quả pháp lý được quy định tại Điều 131 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:
+ Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
+ Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
+ Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
(Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho con sau khi có thông báo thụ lý vụ án bị tuyên vô hiệu do tẩu tán tài sản)
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh
- Trích dẫn nội dung: “Vợ chồng ông Đ tặng cho quyền sử dụng đất cho các con trong khi không còn tài sản nào khác để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ cho ông T là hành vi tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba nên bị vô hiệu theo quy định tại Điều 129 của Bộ luật Dân sự năm 2005. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông Thái Văn Đ và chị Thái Thị P, được chứng thực ngày 06/01/2012 tại Ủy ban nhân dân xã Tân Hội vô hiệu là có căn cứ.”
(Có dấu hiệu của việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tránh bị kê biên tài sản)
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk
- Trích dẫn nội dung: “Nội dung tại Giấy sang nhượng đất (viết tay) thể hiện việc bà T1 thỏa thuận chuyển nhượng lô đất diện tích 4170m2 cho vợ chồng ông C – bà T với số tiền 580.000.000 đồng. Tuy nhiên, trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (có công chứng) lại thể hiện số tiền chuyển nhượng là 100.000.000 đồng, là đã có mâu thuẫn mà Tòa án cấp sơ thẩm chưa tiến hành đối chất làm rõ sự việc này để xác định có dấu hiệu tẩu tán tài sản hay không, là còn thiếu sót”
(Chuyển nhượng sau khi đất đã bị kê biên nên vô hiệu do liên quan đến quyền của bên thuê đất)
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau
- Trích dẫn nội dung: “Theo bản án có hiệu lực pháp luật số 191/2016/DSST ngày 28/9/2016 của Tòa án nhân dân huyện C buộc ông S và bà K trả cho ông bà số tiền 273.674.000 đồng, ông bà yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự huyện C thi hành khoản tiền nêu trên. Chi cục Thi hành án dân sự huyện C tiến hành thủ tục kê biên toàn bộ tài sản nhà và đất của ông S, bà K nhưng đến ngày 09/3/2017, ông S và bà K lại lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông T, bà C được Văn Phòng Công chứng Huỳnh Thắng L công chứng là không đúng theo quy định pháp luật. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai bên có dấu hiệu tẩu tán tài sản để trốn nghĩa vụ thi hành án. Do ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông C và bà H nên ông bà yêu cầu Tòa án nhân dân huyện C tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 09/3/2017 có công chứng số 002281, quyển số 01-TP/CC-SCC/HĐGD giữa ông Tô Văn S với ông Nguyễn Minh T, bà Dương Thị C vô hiệu.”
(Tẩu tán tài sản trong khi chờ kết quả giải quyết phúc thẩm)
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh
- Trích dẫn nội dung: “Ngày 06/02/2012 bà L nộp đơn khởi kiện yêu cầu vợ chồng bà Th trả nợ. Ngày 11/01/2013 Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu xét xử sơ thẩm và bà L có kháng cáo. Ngày 22/7/2013 Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm, tại Bản án số 150/2013/DS-PT buộc bà Th và ông Tr có nghĩa vụ trả cho bà L 100 chỉ vàng 24K (98%) và số tiền 293.348.500 đồng. Bà Th và ông Tr có tài sản mà không trả nợ cho bà L, lại đem tài sản của ông bà là quyền sử dụng đất có diện tích 1.095,7m2 tặng cho con của ông bà là anh V, sau khi có bản án sơ thẩm là có dấu hiệu tẩu tán tài sản, để không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bà L, nên vi phạm Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.”
(Tẩu tán tài sản là xe đang thế chấp tại ngân hàng bằng giấy viết tay nên hợp đồng vô hiệu)
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng
- Trích dẫn nội dung: “Xét thấy, việc bị đơn bán xe cho anh Th là hành vi tẩu tán tài sản nên Bà H đã làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản đối với xe ô tô của vợ chồng ông N, bà Ng; do đó, việc cấp sơ thẩm ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2018/QĐ-ADBPKCTT ngày 18/01/2018 là có căn cứ và đúng pháp luật.”