09/02/2023 16:09

Tuyển tập bản án về hợp đồng đặt cọc vô hiệu do nhầm lẫn

Tuyển tập bản án về hợp đồng đặt cọc vô hiệu do nhầm lẫn

“Tôi muốn tìm các bản án về trường hợp hợp đồng đặt cọc vô hiệu do nhầm lẫn. Xin cảm ơn!” _ Mai Ngọc (Hà Nội)

Chào chị, Ban biên tập xin gửi đến chị một số bản án về hợp đồng đặt cọc vô hiệu do nhầm lẫn điển hình sau:

1. Bản án về tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán nhà ở và chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở số 383/2018/DS-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Thành phố A.

- Trích dẫn nội dung: “tại hợp đồng, hai bên thỏa thuận chuyển nhượng 733m² đất, 100% là đất thổ cư, sử dụng lâu dài. Nhưng trên thực tế có 117,83m² nằm trong ranh quy hoạch, đối với phần diện tích nằm trong ranh quy hoạch này người sử dụng đất không được phép xây dựng công trình trên đất, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người nhận chuyển nhượng. Nhưng khi giao kết hợp đồng ông K0 là bên chuyển nhượng không thông báo cho ông H là bên nhận chuyển nhượng biết thông tin quy hoạch đã được công khai trước đó (từ tháng 4 năm 2014) là vi phạm về nghĩa vụ cung cấp thông tin. Điều này làm cho ông H đã bị nhần lẫn về đối tượng hợp đồng khi ký kết hợp đồng và đặt cọc cho ông K0.”

2. Bản án về tranh chấp hợp đồng đặt cọc số 60/2022/DSPT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh.

- Trích dẫn nội dung: “Do mục đích ban đầu của bà Y là nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có thời hạn sử dụng là lâu dài. Phía bà H cũng không biết được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ghi nội dung về thời hạn sử dụng đất là không chính xác. Do vậy, cả bà H và bà Y đều bị nhầm lẫn về đối tượng chuyển nhượng, nên lỗi dẫn đến việc các bên không ký được hợp đồng chuyển nhượng với nhau là của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.”

3. Bản án 02/2019/DS-PT ngày 27/02/2019 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc

- Cấp xét xử: Phúc thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.

- Trích dẫn nội dung: “Ngày 04/5/2018, bà Th viết giấy cam kết:“Căn nhà số X/6 đường C, giấy chứng nhân quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo diên tích đất sử dụng riêng là 49,7m2; nhà tâp thể tầng 1: 49,7m2 ; Tầng 2: 46,1m2”. Bà Th cam đoan đất và nhà theo sổ chứng nhân quyền sử dụng riêng của bà Th là đúng như trong sổ do Nhà nước đã cấp. Nếu đến ngày ra công chứng mà bất kỳ điều kiên pháp lý nào không được công nhân thì bà Th sẽ hoàn trả lại số tiền đã nhân cho bên mua. Nhà và đất nói trên hiện nằm trong sổ chung. Trong đó phần hình thức sử dụng của giấy chứng nhân quyền sử dụng đất ghi “sử dụng chung”, thực tế bà Th không có m2 đất nào. Như vậy bà Th đã vi phạm cam kết, nên đề nghị Tòa án tuyên hủy hợp đồng đăt cọc và buôc bà Th phải trả lại cho tôi số tiền 150.000.000đ.”

4. Bản án 207/2019/DSPT ngày 21/03/2019 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển quyền sử dụng đất

- Cấp xét xử: Phúc thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

- Trích dẫn nội dung: “giữa nguyên đơn và bị đơn có ký kết hợp đồng đặt cọc về việc thỏa thuận mua bán thửa đất số 735, tờ bản đồ số 24 tại địa chỉ phường TB, Quận O, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 27/11/2017, vì ông Q bận công việc nên chỉ có bà Nguyễn Thanh L3 (vợ ông Q) ký hợp đồng đặt cọc và đã đặt cọc cho bà X số tiền 100.000.000 đồng. Khi thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán tại Phòng Công chứng thì xảy ra tranh chấp do ông Q đi coi lại đất trước khi ký hợp đồng đã phát hiện có sự nhầm lẫn giữa lô đất hai bên mua bán với lô đất mà bà H (người môi giới) đã chỉ cho ông Q xem.” 

5. Bản án 31/2021/DS-PT ngày 14/01/2021 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc

- Cấp xét xử: Phúc thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang.

- Trích dẫn nội dung: “anh T tiến hành thủ tục đo đạc để ký hợp đồng chuyển nhượng. Trong quá trình đo đạc, anh T phát hiện thửa đất số 343 có diện tích đo đạc thực tế là 610,1 m2, không đúng so với diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi phát hiện có sự chênh lệch diện tích đất nêu trên, anh T đã nhiều lần thương lượng với chị Th để điều chỉnh giá chuyển nhượng nhưng phía chị Th không đồng ý điều chỉnh giá chuyển nhượng và chị Th không đồng ý và đổ lỗi cho người khác, chị Th cũng không đồng ý ký biên bản đo đạc. Anh T cho rằng đối tượng giao kết không đúng với thỏa thuận ban đầu, chị Th không có thiện chí thỏa thuận lại nên anh T yêu cầu tuyên bố hợp đồng sang nhượng nhà, đất ngày 21/10/2019 được ký kết giữa chị Võ Thị Thu Th và anh Lê Quốc T vô hiệu.”

6. Bản án 66/2021/DS-PT ngày 01/03/2021 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc

- Cấp xét xử: Phúc thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Long An.

- Trích dẫn nội dung: “Nay phía ông N khởi kiện yêu cầu tuyên bố giao dịch đặt cọc ngày 22/7/2019 vô hiệu do nhầm lẫn theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật Dân sự năm 2015 vì ông N không biết trên phần đất 1.000m2 đất có đường dây điện cao thế 220KV đi ngang qua phía trên và yêu cầu ông T và bà P có nghĩa vụ liên đới trả 250.000.000 đồng tiền cọc đã nhận. Ngoài ra, việc không thực hiện được việc chuyển nhượng là do khách quan vì gia đình ông N đã bị Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất ở xã P, huyện B, tỉnh Long An để thực hiện đầu tư xây dựng dự án ở Khu dân cư Phước Lợi – Hải Sơn. Mục đích ông N nhận chuyển nhượng 1.000m2 đất nói trên là để chuyển mục đích thành đất ở nông thôn để cất nhà ở nên ông N mới thỏa thuận nhận chuyển nhượng 1.000m2 đất nói trên với giá 1.750.000 đồng, trong khi đó, giá đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Cần Đước vào thời điểm tháng 7/2019 cao nhất chỉ có 250.000 đồng/m2. Hơn nữa, theo xác nhận của UBND xã Long Sơn thì trên thửa số 1345 có đường dây điện cao thế 220KV đi ngang qua phía trên và thửa số 1345 không được phép chuyển mục đích sử dụng thành đất ở tại nông thôn.”

Nguyễn Thị Sáng
2975

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]