02/11/2023 10:53

Tuyển tập bản án về giao dịch dân sự vô hiệu

Tuyển tập bản án về giao dịch dân sự vô hiệu

Tôi muốn hỏi giao dịch dân sự là gì? giao dịch dân sự vô hiệu khi nào? Tôi muốn tìm các bản án liên quan về giao dịch dân sự vô hiệu để tham khảo.Xin cảm ơn!_Trung Kiên(Hà Nam)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Giao dịch dân sự là gì?

Theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 thì giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015  thì giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Giao dịch dân sự vô hiệu khi nào?

Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác. Theo đó, có 07 trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại các Điều 123, Điều 124, Điều 125, Điều 126, Điều 127, Điều 128, Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

(1) Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;

(2) Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo;

(3) Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện;

(4) Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn;

(5) Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

(6) Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;

(7) Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.

3. Tuyển tập bản án về giao dịch dân sự vô hiệu

Dưới đây là một số bản án về giao dịch dân sự vô hiệu:

Bản án về tranh chấp tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu số 15/2022/DS-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh

- Trích dẫn nội dung: “Năm 1989, bà Nguyễn Thị C được UBND huyện T cấp một thửa đất 250m2. Năm 2006, bà C qua đời không để lại di chúc. Năm 2017, con gái bà C là bà Võ Thị T phát hiện trước đó bà C đã bán thửa đất trên cho ông Nguyễn Đình L và bà Nguyễn Thị C vào năm 1989 với giá 700.000 đồng nhưng chỉ trả 350.000 đồng tiền đặt cọc. Bà T cho rằng việc bán đất là không có thật. Bà T khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng bán đất giữa bà C và ông L, bà C là vô hiệu và buộc ông L, bà C trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. TAND TP Hà Tĩnh tuyên hợp đồng bán đất vô hiệu, buộc ông L, bà C trả lại giấy chứng nhận đất cho bà T nhưng buộc bà T phải trả cho ông L, bà C giá trị 1/2 thửa đất...”

Bản án về tranh chấp yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu số 365/2022/DS-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Long An

- Trích dẫn nội dung: “Bà V và ông D sống chung với nhau từ năm 1976. Năm 2020, ông D chuyển nhượng cho ông H thửa đất 699 mà trước đó ông D và bà V cùng sử dụng từ năm 1979. Bà V khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng giữa ông D và ông H vô hiệu vì không có sự đồng ý của bà. TAND huyện T bác yêu cầu của bà V. Bà V kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm, bà V trình bày không hay biết việc chuyển nhượng của ông D. Các con chung cũng xác nhận bà V không biết và không được hưởng lợi từ việc chuyển nhượng đất. VKSND tỉnh Long An cho rằng thửa đất là tài sản chung của vợ chồng nên việc ông D chuyển nhượng mà không có sự đồng ý của bà V là trái pháp luật...”

Bản án về tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu số 08/2022/DS-ST

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện KT, Tỉnh HD

- Trích dẫn nội dung: “Năm 2020, TAND huyện KT buộc ông T và bà Tr phải trả nợ cho vợ chồng ông H và bà Nh số tiền hơn 2 tỷ đồng. Tháng 6/2019, trước khi bản án có hiệu lực, ông T và bà Tr đã chuyển nhượng cho bà H (chị gái ông T) thửa đất và nhà cửa mà trước đó họ thế chấp ngân hàng. Tháng 10/2020, vợ chồng ông H và bà Nh khởi kiện yêu cầu tuyên bố giao dịch chuyển nhượng trên là vô hiệu vì cho rằng ông T và bà Tr nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Tại tòa, bà H trình bày việc chuyển nhượng là do bà đã trả nợ ngân hàng thay ông T, bà Tr nên nhận chuyển nhượng tài sản để đối trừ tiền đã trả. Viện KSND huyện KT đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông H và bà Nh, vì giao dịch chuyển nhượng diễn ra trước khi có bản án buộc ông T, bà Tr trả nợ..."

Bản án về yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu số 206/2022/DS-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội

- Trích dẫn nội dung: “Năm 2014, bà L thuê ông H (luật sư) hỗ trợ pháp lý cho các chị em xác định nguồn gốc thửa đất 128m2. Nếu xác định được, bà L sẽ mua lại 64m2 đất của ông H. Bà L đã chuyển cho ông H 1,62 tỷ đồng và cho vợ ông H 300 triệu đồng. Do ông H không xác định được nguồn gốc đất nên bà L yêu cầu tuyên bố các giao dịch trên vô hiệu và buộc ông H trả lại tiền. TAND quận Hà Đông chấp nhận yêu cầu của bà L, buộc ông H trả lại 1,62 tỷ đồng nhưng bác yêu cầu về 300 triệu đồng...”

Bản án về yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu số 08/2022/DS-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai

- Trích dẫn nội dung: “Năm 1993, vợ chồng bà T mua đất của vợ chồng ông M nhưng không làm thủ tục chuyển nhượng. Năm 2001, ông T tự ý bán đất trên cho ông H với giá 5,5 triệu đồng mà không có sự đồng ý của vợ là bà T. Năm 2020, bà T khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng năm 2001 giữa ông T và ông H là vô hiệu, buộc ông H trả lại đất. TAND huyện Bảo Thắng chấp nhận yêu cầu của bà T. Ông H kháng cáo. Tại phúc thẩm, Viện KSND tỉnh Lào Cai cho rằng có căn cứ xác định bà T có biết và đồng ý việc bán đất. Do đó, đề nghị sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của bà T..."

Hứa Lê Huy
9768

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]