01/07/2024 18:44

Tuyển tập bản án Toà án áp dụng án lệ để giải quyết tranh chấp thừa kế tài sản

Tuyển tập bản án Toà án áp dụng án lệ để giải quyết tranh chấp thừa kế tài sản

Án lệ là gì? Áp dụng án lệ vào trong xét xử thế nào? Tuyển tập các bản án Toà án sử dụng án lệ để giải quyết tranh chấp thừa kế tài sản?

1. Án lệ là gì? Áp dụng án lệ vào trong xét xử thế nào?

Án lệ là gì? Tiêu chí lựa chọn án lệ?

Căn cứ Điều 1 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP quy định án lệ như sau:

Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Tiêu chí lựa chọn án lệ như sau:

Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí theo Điều 2 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP

- Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể.

- Có tính chuẩn mực.

- Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Áp dụng án lệ vào trong xét xử thế nào?

Theo Điều 8 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP quy định về việc áp dụng án lệ vào trong xét xử như sau:

- Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố.

- Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.

- Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.

2. Tuyển tập bản án Toà án áp dụng án lệ để giải quyết tranh chấp thừa kế tài sản

- Bản án số 48/2017/DS-ST ngày 14/8/2017 về tranh chấp thừa kế

Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân quận Hải Châu 

Trích dẫn nội dung: Cụ Huỳnh Ch và cụ H chết không để lại di chúc. 2 người có 9 người con chung thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Di sản để lại là nhà đất tại 01 Đường C, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã được cấp có thẩm quyền xác nhận. Ông Huỳnh H xác định di sản do cha mẹ ông để lại có giá trị là 2.500.000.000đ

Ông yêu cầu được nhận một kỷ phần thừa kế. Giao cho ông Huỳnh M sở hữu, sử dụng toàn bộ nhà và đất là di sản của cha mẹ, ông M có trách nhiệm thối trả lại cho ông số tiền tương ứng với giá trị kỷ phần là 235.000.000đ. Đồng thời ông đề nghị giao cho ông quản lý kỷ phần thừa kế của ông Huỳnh C được hưởng. 

Quyết định của Tòa án: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Huỳnh H đối với ông Huỳnh M về việc yêu cầu chia thừa kế. Giao cho ông Huỳnh M sở hữu và sử dụng nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại 01 Đường C, quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng. Ông Huỳnh M có nghĩa vụ thối trả cho các đồng thừa kế. Chi phí thẩm định do ông Huỳnh M tự chịu. 

Án lệ được áp dụng: Án lệ số 06/2016/AL được Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 Về tranh chấp thừa kế: “Vụ án tranh chấp thừa kế có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài, nếu Tòa án đã thực hiện ủy thác tư pháp, thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của những người đó. Tòa án vẫn giải quyết yêu cầu của nguyên đơn; nếu xác định được di sản thừa kế, diện hàng thừa kế và người để lại di sản thừa kế không có di chúc thì giải quyết việc chia thừa kế cho nguyên đơn theo quy định của pháp luật; phần tài sản thừa kế của những người vắng mặt, không xác định được địa chỉ sẽ tạm giao cho những người sống trong nước quản lý để sau này giao lại cho những thừa kế vắng mặt.”

- Bản án số 12/2019/DS-PT ngày 22/02/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản

Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk 

Trích dẫn nội dung: Cụ Ch1 và Ch2 có 03 người con: ông H, bà L, ông Tr (chưa vợ con, đã mất). Cụ Ch2 mất năm 1945 không để lại thừa kế, cụ Ch1 mất năm 2017. Khi còn sống cụ Ch1 đã tạo lập được một khối tài sản là diện tích đất 950m2. Sau năm 1994 được cấp GCNQSDĐ, đến năm 2003, cụ Ch1 lập hợp đồng tặng cho bà L 240m2 đất. 

Năm 2014, do cần tiền nên bà lại sang nhượng cho ông Mai H. Phần diện tích còn lại 950m2 thì vẫn là của bà Ch1 và chưa phân chia cho con. Tuy nhiên, ông H và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cho rằng đất đã được chia từ thời điểm bà Ch1 sang nhượng 240m2 đất cho bà L. Vì vậy, bà L đề nghị Tòa án phân chia di sản thừa kế của cụ Ch1 bằng hiện vật để đảm bảo quyền lợi cho bà. 

Quyết định của Toà án:

Cấp sơ thẩm: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Mai Thị L về việc phân chia di sản thừa kế của cụ Phan Thị Ch1 là quyền sử dụng đất diện tích 950m2 thuộc thửa đất số 201, trị giá 10.874.500.000 đồng. Thu hồi GCN QSD đất số V 377328, chia tài sản cho bà L, ông H và ông H có trách nhiệm phải thanh toán giá trị chênh lệch trị giá tài sản đươc hưởng cho bà L là 1.477.723.000 đồng. yêu cầu các người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dỡ bỏ, di dời một phần nhà để trả lại đất. 

Cấp phúc thẩm: Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà Mai Thị L. Chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Mai H. Sửa bản án sơ thẩm số 25/2018/DSST ngày 15/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Cư M’gar. Bác toàn bộ đơn khởi kiện của bà Mai Thị L về việc yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của cụ Phan Thị Ch1 là 1.760m2, thuộc thửa đất số 201, tờ bản đồ số 29 tọa lạc tại 57 HV, thị trấn QP, huyện CM.

Án lệ được áp dụng: Án lệ số 24/2018/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17/10/2018 về di sản đã chuyển thành tài sản thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân: “Nhà, đất là tài sản chung của vợ chồng mà một người chết trước. Người còn lại và các thừa kế của người chết trước đã thống nhất phân chia nhà, đất. Thỏa thuận phân chia không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào. Việc phân chia nhà, đất đã được thực hiện trên thực tế và đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai. Sau khi người còn lại chết mới phát sinh tranh chấp. Trường hợp này, phải xác định nhà, đất đó đã chuyển thành quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của các cá nhân. Những người này chỉ có quyền khởi kiện đòi lại nhà, đất được chia đang bị người khác chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp mà không có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế là nhà, đất.”

- Bản án số 06/2017/DS-PT ngày 23/8/2017 về tranh chấp chia tài sản chung là di sản thừa kế

Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình 

Trích dẫn nội dung: Khi còn sống bố mẹ bà S có khối tài sản chung là đất ông cha để lại từ trước năm 1980, không có giấy tờ. Theo bản đồ năm 1985 xã N thì bố mẹ bà được đứng tên trên bản đồ có tổng diện tích là 2.700m2 ở 5 thửa gồm: Thửa 397 diện tích 1.370m2; thửa 398 diện tích 360m2; thửa 414 diện tích 235m2; thửa 415 diện tích 460m2; thửa 416 diện tích 275m2. Sau khi bố mẹ mất, di sản trên để lại theo di chúc nhưng xảy ra tranh chấp vì không xác định được diện tích, kích thước rõ ràng cùng sự không thống nhất của những người có quyền lợi liên quan. Vì vậy, bà S đề nghị Tòa án hủy các giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất không đúng và giải quyết chia tài sản chung là di sản thừa kế của bố mẹ để lại. 

Quyết định của Toà án:

Cấp sơ thẩm: Bác yêu cầu khởi kiện của Bà Lã Thị S đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời Ủy ban nhân dân huyện H cấp cho ông Lã Văn T ngày 13/6/1987 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Lã Văn T, Bà Vũ Thị C được cấp năm 2004 và yêu cầu chia tài sản chung là di sản thừa kế của cụ Lã Văn T.

Cấp phúc thẩm: Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà S. Bác yêu cầu khởi kiện của Bà Lã Thị S đề nghị chia tài sản chung là di sản thừa kế của cụ Lã Văn T. Yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời UBND huyện H cấp cho ông Lã Văn T và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Lã Văn T Bà Vũ Thị C không liên quan đến vụ án chia tài sản chung mà sẽ được xem xét trong vụ án chia thừa kế di sản của cụ T1 khi đương sự yêu cầu. 

Án lệ được áp dụng: Án lệ số 03/2016/AL được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối Cao thông qua ngày 6/4/2016 và được công báo theo quyết định số 220/QĐ–CA ngày 6/4/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao: “Cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp này Tòa án phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất.”

Lâm Thanh Tuyết
1174

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]