Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo Điều 111, Điều 112, Điều 113 và Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019, quy định về việc nghỉ của người lao động trong từng trường hợp được quy định như sau:
+ Nghỉ hằng tuần: Ít nhất 01 ngày/tuần, theo lịch mà doanh nghiệp bố trí (Điều 111 Bộ luật Lao động 2019)
+ Nghỉ lễ, Tết: Theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau:
- Tết Dương lịch: Nghỉ 01 ngày.
- Tết Âm lịch: Nghỉ 05 ngày.
- Ngày Chiến thắng: Nghỉ 01 ngày.
- Ngày Quốc tế lao động: Nghỉ 01 ngày.
- Quốc khánh: Nghỉ 02 ngày.
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: Nghỉ 01 ngày.
+ Nghỉ hằng năm: Tùy từng trường hợp mà người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm từ 12 – 16 ngày và vẫn được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động người lao động (Điều 113 Bộ luật Lao động 2019).
Cứ làm việc đủ 05 năm cho người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm được tăng thêm 01 ngày (Điều 114 Bộ luật Lao động 2019)
+ Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương: Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn. (khoản 2 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019)
- Nghỉ việc riêng, vẫn được hưởng lương: Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
+ Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
+ Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
Từ các quy định trên, có thể thấy, người lao động khi nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, Tết thì không cần phải có sự đồng ý của người sử dụng lao động. Đối với các trường hợp nghỉ vì lý do riêng như kết hôn, nhân thân chết,..thì người lao động cần phải thông báo trước cho người sử dụng lao động biết.
Như vậy, khi người lao động muốn nghỉ làm vì lý do thông thường, không thuộc các trường hợp nghỉ tại Điều 111, Điều 112, Điều 113, Điều 114 thì người lao động cần xin phép người sử dụng lao động trước.
Theo quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.
Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động được quyền áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải nếu người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Từ quy định trên, có thể thấy, nếu người lao động tự ý nghỉ làm không xin phép mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày liên tục trở lên sẽ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng
Ngoài ra, công ty được sa thải nếu người lao động tự ý nghỉ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày mà không có lý do chính đáng, thời gian nghỉ của người lao động không cần thiết phải liên tục, có thể cách quãng.
Như vậy, khi tự ý nghỉ làm mà không có lý do chính đáng, người lao động có thể sẽ bị công ty sa thải theo quy định của pháp luật.