27/06/2019 16:42

Tự ý đào mồ, bốc hài cốt sẽ bị xử lý như thế nào?

Tự ý đào mồ, bốc hài cốt sẽ bị xử lý như thế nào?

Mồ mả là nơi chôn cất thi thể, hài cốt của cá nhân, được xem là một trong những nét văn hóa của người phương Đông, thể hiện sự tín ngưỡng, tâm linh của người Việt Nam. Do đó, pháp luật cũng có những quy định để bảo vệ mồ mả của cá nhân, cũng như có những biện pháp chế tài đối với những người có hành vi cố ý xâm phạm mồ mả. Vậy hành vi tự ý di dời mồ mã, bốc hài cốt sẽ bị xr lý như thế nào?

Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được xác định là hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

Cụ thể tại bản án số 36/2019/HS-PT ngày 07/05/2019 về tội xâm phậm thi thể, mồ mả, hài cốt do Tòa án nhân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm:

“ Đầu năm 2016, cha mẹ của T có yêu cầu bà Lê Thị B (vợ của ông H, cũng là cô ruột của T) bốc cốt, di dời mộ của ông H để T sử dụng đất cất nhà nhưng gia đình bà B không đồng ý nên UBND phường P hướng dẫn T khởi kiện đến Toà án nhân dân thành phố B. Tuy nhiên, T không thực hiện việc khởi kiện mà vào ngày 19 tháng 5 năm 2017 âm lịch, T nhờ ông T thuê ông Nguyễn Văn H1 và một người tên D (không rõ lai lịch do ông H thuê dùm) đến đào mộ, bốc hài cốt của ông H đem đến trại hòm T ở phường 5, thành phố B thiêu lấy tro cốt. Sau đó, ông H1 giao lại hủ đựng tro cốt của ông H cho T và T đem hủ tro cốt của ông H gửi vào chùa V ở thị trấn C, huyện C, tỉnh Bến Tre. Đến khoảng 7/2017, bà Phạm Cẩm V (con ông H) phát hiện T tự ý bốc cốt của ông H nên làm đơn gửi đến Cơ quan điều tra - Công an thành phố B yêu cầu xử lý hình sự đối với T”.

Với hành vi trên, tại bản án sơ thẩm Tòa án nhân dân Thành phố B, tỉnh Bến tre đã tuyên bố Lê Diễm T tội “Xâm phậm thi thể, mồ mã hài cốt”. Áp dụng khoản 1 Điều 246 các điểm h, p khoản 1 Điều 46; Điều 33 của Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009; xử phạt bị cáo Lê Diễm T 06 tháng là đúng quy định của pháp luật, không oan, sai. Tuy nhiên ngày Ngày 26/02/2019, bị cáo Lê Diễm T kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt ở mức thấp nhất của điều luật bị cáo bị truy tố.

Trong vụ án nêu trên Hành vi của bị cáo Lê Diễm T là quá bồng bột, nong nổi, T được UBND phường P hướng dẫn khởi kiện đến Tòa án nhân dân Thành phố B để giải quyết. Tuy nhiên, T không đồng ý mà T tự ý thuê người đào mộ, bốc hài cốt đem đi thiêu lấy tro cốt và đem lên chùa V đẻ sử dụng đất cất nhà. Đối chiếu việc làm của gia đình anh T với quy định của pháp luật thì đủ yếu tố cấu thành tội xâm phạm mồ mả, thi thể, hài cốt.

Tội xâm phạm mồ mả, thi thể, hài cốt là một trong những tội đã được quy định rất sớm tại Bộ luật Hình sự 1985 với định danh Điều 204. Tội xâm phạm mồ mả, hài cốt. Đến Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được quy định tại Điều 246 và tại Bộ luật Hình sự 2015 thì tội danh này được quy định tại Điều 319.

Theo quy định tại Điều 246 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 cũng như là  Điều 319 (Bộ luật Hình sự 2015).

Điều 246. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009)

1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở  trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ  ba tháng đến  hai năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Điều 319. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (Bộ luật Hình sự 2015)

1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;

c) Vì động cơ đê hèn;

d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.

Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là tội xâm phạm đến trật tự, an toàn đối với thi thể, phần mộ và hài cốt của người chết và thông qua đó đã xâm phạm đến phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Ngoài vấn đề trách nhiệm hình sự thì hành vi xâm phạm mồ mả, hài cốt còn phải chịu trách nhiệm dân sự. Cụ thể theo quy định tại Điều 607 Bộ luât Dân sự 2015 như sau:

Điều 607 Bộ luât Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả

1. Cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại.

2. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

3. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết; nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Hành vi xâm phạm đến thi thể, mồ mả, hài cốt là hành vi trái đạo đức, ảnh hưởng đến vấn đề tâm linh và tinh thần những người thân của người đã khuất. Như vậy, cho dù là tài sản của cá nhân đang sở hữu nhưng trước khi làm chuyện gì đó cũng cần cân nhắc, tìm hiểu rõ ràng để tránh những chuyện đau lòng xảy ra và phải gánh chịu hậu quả.

Minh Tâm
11889

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]