07/04/2020 09:21

Từ vụ án mẹ hành hạ con đến chết nghĩ đến hạn chế quyền của cha mẹ với con chưa thành niên

Từ vụ án mẹ hành hạ con đến chết nghĩ đến hạn chế quyền của cha mẹ với con chưa thành niên

Những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về bạo lực, dùng chất kích thích, xâm hại tình dục, hành hạ người khác ... thì không được quyền tiếp cận trẻ em. Nếu có quy định như vậy thì trẻ em mới được bảo vệ trước bạo lực. Luật Hôn nhân - Gia đình 2014 cũng quy định về hạn chế quyền của cha mẹ với con chưa thành niên nhưng luật chưa đi vào cuộc sống.

Vụ án mẹ đẻ và bố dượng hành hạ đến chết bé M con 3 tuổi ở Hà Nội mới đây đang gây rúng động dư luận cả nước. Người người kinh hoàng và phẫn nộ, bởi tính chất tàn ác của một cặp bố mẹ với con mình đã vượt ra ngoài sự tưởng tượng của cộng đồng.

Tại cơ quan điều tra, cặp vợ chồng hờ Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Thị Lan Anh khai nhận từ đầu tháng 3/2020, các đối tượng này thường xuyên đánh đập, hành hạ cháu M. Đáng chú ý, từ 8g đến 23g ngày 29/3, mẹ đẻ và bố dượng của cháu M đã không cho cháu ăn uống, dùng chân tay và cán chổi bằng kim loại đánh liên tiếp vào người cháu M…

Đến 8g30 ngày 30/3, thấy cháu M mệt, Lan Anh cho uống sữa nhưng cháu M nôn và ngất. Trước tình trạng trên, Lan Anh đưa cháu M đến Bệnh viện Đại học Y cấp cứu, nhưng chưa đến được bệnh viện thì cháu M đã tử vong…

Tiến hành khám nghiệm sơ bộ, cơ quan điều tra xác định cháu M tử vong do chấn thương sọ não với nhiều thương tích ở vùng đỉnh và thái dương xưng nề, tụ máu; chảy máu não; gãy răng; đùi tụ máu… Khám xét nhà trọ của đôi vợ chồng hờ, cảnh sát tìm thấy một lượng ma túy chưa kịp sử dụng và tang vật liên quan vụ án.

Như vậy là đã rõ, cặp vợ chồng là bố dượng mẹ đẻ này đã ra tay hết sức dã man đối với con mình chỉ mới 3 tuổi trong một thời gian dài, khoảng 1 tháng chứ không phải lỡ tay nhất thời. Hành vi đó đã nói lên bản chất vô cùng độc ác của cặp bố mẹ này với ngay chính đứa con của mình.

Đặc biệt, Lan Anh là mẹ đẻ cháu bé mà dã man đánh đập con đẻ của mình trong thời gian dài đã chứng tỏ tư cách vô nhân tính của đối tượng này.

Lâu nay số vụ xâm hại bạo lực với trẻ em xảy ra đã đáng báo động, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng làm chết trẻ em, mà điển hình là vụ cặp vợ chồng Minh Tuấn và Lan Anh giết con mình là cháu M.

Từ đây đã cho thấy một vấn đề đặt ra là, như trong trường hợp cháu M, nếu như cặp bố dượng mẹ đẻ cháu M không được tiếp cận với cháu, thì hẳn nhiên là cháu M đã không bị đánh đập thời gian dài như thế dẫn đến tử vong.

Rõ ràng là, bất luận thế nào, thì cháu M vẫn luôn được quyền bất khả xâm phạm trước bất cứ ai, kể cả là trước bố mẹ đẻ ra cháu. Tức là, cặp bố dượng mẹ đẻ này luôn luôn, không được quyền xâm phạm đến thân thể cháu M. Nếu có quy định như vậy thì vụ án đau lòng đã không xảy ra.

Cũng như các vụ án xâm hại trẻ em dẫn đến chết người trước đó, đã cho thấy một vấn đề rõ ràng rằng trẻ em là đối tượng quá non nớt rất dễ bị tổn thương, chưa đủ khả năng tự bảo vệ mình trước những bất trắc trong các mối quan hệ ở cả gia đình và ngoài xã hội, cho nên các em phải được nhà nước đặc biệt quan tâm có biện pháp bảo vệ chặt chẽ. Tức là, trẻ em phải được có một lớp rào chắn của nhà nước đặt ra bảo vệ các em trong các mối quan hệ gia đình và xã hội có phức tạp.

Luật Hôn nhân – Gia đình đã có quy định về hạn chế quyền của cha mẹ với con chưa thành niên nhưng dường  như chưa đi vào cuộc sống. Trở lại với trường hợp cặp bố dượng mẹ đẻ Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Thị Lan Anh này, thì thấy rõ Lan Anh trước khi đón cháu M về để rồi hành hạ cháu làm cháu chết, đã có biểu hiện vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình, về pháp luật bảo vệ trẻ em, sử dụng chất kích thích.

Theo thông tin bà ngoại cháu M cung cấp, Lan Anh đã muốn phá thai khi mang thai cháu M. Bà phải thuyết phục mãi (đẻ bà sẽ nuôi) Lan Anh mới chịu đẻ cháu M. Đẻ xong thì bỏ cháu M cho bà nuôi rồi đi cặp sống như vợ chồng với đối tượng Tuấn Anh. Bản thân đối tượng Lan Anh đã có đến 3 đời chồng có cả không có kết hôn, là một biểu hiện lối sống buông thả về đạo đức.

Như vậy đối tượng Lan Anh đã có biểu hiện thiếu trách nhiệm với cháu M. Và cả  Lan Anh, Minh Tuấn đều sử dụng ma túy là chất kích thích, rất nguy hiểm khi hai đối tượng được quyền tiếp cận trẻ em.

Mặc dù hiện nay pháp luật về bảo vệ trẻ em vẫn có quy định tước quyền làm cha, làm mẹ của những đối tượng thực hiện hành vi xâm hại nghiêm trọng con mình. Tuy nhiên đó là khi hành vi xâm hại nghiêm trọng đã xảy ra rồi mới bị tước quyền. Như trong trường hợp này, hành vi xâm hại nghiêm trọng làm cháu M chết đã xảy ra rồi, thì bây giờ việc tước quyền làm cha, làm mẹ của 2 đối tượng Lan Anh – Minh Tuấn cũng không còn ý nghĩa nữa. Cháu M đã chết, tức là chế tài ngăn chặn của nhà nước như vậy là đã quá muộn.

Điều 85 Luật Hôn nhân – Gia đình năm 2014 quy định về hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên đã nêu rõ:  Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây: Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; Phá tán tài sản của con; Có lối sống đồi trụy; Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.

Trong trường hợp này đối tượng Lan Anh có biểu hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con và có lối sống đồi trụy. Lẽ ra người mẹ này phải bị cách ly, hạn chế quyền tiếp cận với con.

Điều 86 quy định về người có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên bao gồm: Cha, mẹ, người giám hộ của con chưa thành niên, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên:  Người thân thích; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;  Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;  Hội liên hiệp phụ nữ.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện cha, mẹ có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

Như vậy luật đã quy định rất nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên nhưng đáng tiếc là chưa có nhiều đề nghị như vậy, đặc biệt đáng tiếc là vụ cháu M trên đây.

Quan hệ gia đình là nền tảng của các quan hệ xã hội, mối quan hệ trong gia đình có tốt thì từ đó mới có các mối quan hệ trong xã hội tốt đẹp được. Do vậy trong vụ án cháu M cần phải xử lý hết sức nghiêm khắc để chấn chỉnh lại mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái đã bị biến dạng nghiêm trọng như trong một số các vụ án xâm hại trẻ em hiện nay, đồng thời nhắc nhở các cơ quan, tổ chức, cá nhân về một quyền, một trách nhiệm, một nghĩa vụ đối với trẻ em được quy định trong Luật Hôn nhân – Gia đình mà dường như đang bị bỏ quên.

Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án

1583

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn