22/11/2023 11:38

Tự nguyện nộp lại tiền nhận hối lộ có thoát án tử hình?

Tự nguyện nộp lại tiền nhận hối lộ có thoát án tử hình?

Trong vụ án của Vạn Thịnh Phát, cựu Cục trưởng thuộc NHNN, Trưởng đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước đã nhận hối lộ đến 5,2 triệu USD. Vậy với khoảng tiền này bà có bị tử hình không? Nếu tự nguyện nộp lại tiền nhận hối lộ thì có được giảm nhẹ hình phạt không? “Minh Hà-Hà Nội”

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

>>Xem thêm: Tội nhận hối lộ theo quy định của Bộ luật Hình sự

1. Nhận hối lộ bao nhiêu tiền thì bị tử hình?

Nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc trung gian nhận hoặc sẽ bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. (Căn cứ theo khoản 1 Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015).

Nếu đáp ứng yếu tố cấu thành tội phạm tội nhận hối lộ thì người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hình sự theo Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015

Khung hình phạt thấp nhất của tội nhận hối lộ là từ 02 năm đến 07 năm đối với hành vi sau:

- Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII về các tội phạm tham nhũng của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Lợi ích phi vật chất.

Hình phạt cao nhất là tử hình đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

- Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.

Như vậy, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận hối lộ có trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên thì có thể bị áp dụng hình phạt tử hình.

2. Tự nguyện nộp lại tiền nhận hối lộ có thoát án tử hình?

Theo Điểm b Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 thì “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Như vậy, người phạm tội nộp lại tiền nhận hối lộ để khắc phục hậu quả thì được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Đồng thời, theo Khoản 3, 4 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định như sau:

3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

b) Người đủ 75 tuổi trở lên;

c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

4.Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Như vậy, khi người bị kết án tử hình về tội nhận hối lộ tự nguyện nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản nhận hối lộ và tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ được chuyển từ án tử hình xuống tù chung thân.

Trân trọng!

Bùi Thị Như Ý
1449

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn