01/10/2024 10:22

Từ năm 2025, loại xe nào bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình?

Từ năm 2025, loại xe nào bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình?

Từ năm 2025, loại xe nào bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình? Xe ô tô cá nhân có bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình từ năm 2025 không? Xe cơ giới bao gồm các loại xe gì?

1. Từ năm 2025, loại xe nào bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình? 

Tại khoản 2 Điều 35 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) có quy định về điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ như sau:

Điều 35. Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ

2. Xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.

Như vậy, theo quy định trên, từ năm 2025 có 04 loại xe bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình đó là:

- Xe ô tô kinh doanh vận tải

- Xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải

- Xe ô tô đầu kéo

- xe cứu thương

Trong đó, xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương phải lắp cả thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.

2. Xe ô tô cá nhân có bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình từ năm 2025 không?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 35 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có quy định về điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ như sau:

Điều 35. Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ

1. Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Được cấp chứng nhận đăng ký xe và gắn biển số xe theo quy định của pháp luật;

b) Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Theo đó, xe ô tô tham gia giao thông đường bộ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Được cấp chứng nhận đăng ký xe và gắn biển số xe theo quy định của pháp luật;

- Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, xe ô tô cá nhân không có bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình khi tham gia giao thông đường bộ. Mà chỉ bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô là xe ô tô kinh doanh vận tải và xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải.

3. Xe cơ giới bao gồm các loại xe gì? 

Theo khoản 1 Điều 34 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định xe cơ giới bao gồm các loại xe sau:

(1) Xe ô tô gồm: xe có từ bốn bánh trở lên chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, không chạy trên đường ray, dùng để chở người, hàng hóa, kéo rơ moóc, kéo sơ mi rơ moóc hoặc được kết cấu để thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt, có thể được nối với đường dây dẫn điện; xe ba bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg; xe ô tô không bao gồm xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ;

(2) Rơ moóc là xe không có động cơ để di chuyển, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, được kéo bởi xe ô tô; phần chủ yếu của khối lượng toàn bộ rơ moóc không đặt lên xe kéo;

(3) Sơ mi rơ moóc là xe không có động cơ để di chuyển, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ; được kéo bởi xe ô tô đầu kéo và có một phần đáng kể khối lượng toàn bộ đặt lên xe ô tô đầu kéo;

(4) Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ là xe có từ bốn bánh trở lên, chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có kết cấu để chở người, vận tốc thiết kế không lớn hơn 30 km/h, số người cho phép chở tối đa 15 người (không kể người lái xe);

(5) Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ là xe có từ bốn bánh trở lên, chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có kết cấu để chở hàng, có phần động cơ và thùng hàng lắp trên cùng một khung xe, có tối đa hai hàng ghế và chở tối đa 05 người (không kể người lái xe), vận tốc thiết kế không lớn hơn 60 km/h và khối lượng bản thân không lớn hơn 550 kg; trường hợp xe sử dụng động cơ điện thì có công suất động cơ không lớn hơn 15 kW;

(6) Xe mô tô gồm: xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, trừ xe gắn máy; đối với xe ba bánh thì khối lượng bản thân không lớn hơn 400 kg;

(7) Xe gắn máy là xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có vận tốc thiết kế không lớn hơn 50 km/h; nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không lớn hơn 50 cm3; nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất của động cơ không lớn hơn 04 kW; xe gắn máy không bao gồm xe đạp máy;

(8) Xe tương tự các loại xe quy định như trên.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
874

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]