12/12/2024 10:53

Từ 01/7/2025, không bắt buộc tên VPCC phải được đặt theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc công chứng viên hợp danh khác

Từ 01/7/2025, không bắt buộc tên VPCC phải được đặt theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc công chứng viên hợp danh khác

Chiều 26/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Công chứng 2024, trong đó có quy định mới về cách đặt tên Văn phòng công chứng nhằm khắc phục bất cập của Luật hiện hành về đặt tên văn phòng công chứng.

Quy định mới về đặt tên Văn phòng công chứng từ ngày 01/7/2025

Căn cứ Khoản 4 Điều 23 Luật Công chứng (sửa đổi) 2024 quy định tên của Văn phòng công chứng bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” và tên riêng bằng tiếng Việt do các thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh thỏa thuận lựa chọn hoặc công chứng viên là Trưởng Văn phòng công chứng của Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân lựa chọn, bảo đảm các yêu cầu sau đây:

- Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của Văn phòng công chứng; 

- Không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác đang hoạt động trong phạm vi toàn quốc;

- Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Hiện hành, tại Khoản 3 Điều 22 Luật công chứng 2014 quy định về tên Văn phòng công chứng như sau:

Điều 22. Văn phòng công chứng

...

3. Tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

...

Như vậy, từ ngày 01/7/2025 khi Luật Công chứng (sửa đổi) 2024 thi hành, thì không bắt buộc tên gọi của văn phòng công chứng phải được đặt theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc một trong số các công chứng viên hợp danh như hiện nay.

Tên Văn phòng công chứng sẽ bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” và tên riêng bằng tiếng Việt do các thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng (được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh) thỏa thuận lựa chọn hoặc công chứng viên là Trưởng Văn phòng công chứng của Văn phòng công chứng (được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân) lựa chọn.

Từ 01/7/2024, Văn phòng công chứng có thể là doanh nghiệp tư nhân

Theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 23 Luật Công chứng (sửa đổi) 2024 thì:

Điều 23. Văn phòng công chứng

1. Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh; tại các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.

Chính phủ quy định danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân và việc chuyển đổi loại hình Văn phòng công chứng tại các đơn vị hành chính cấp huyện này.

2. Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh phải có từ 02 thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Các thành viên hợp danh phải là công chứng viên và có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề của Văn phòng công chứng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ đủ 02 năm trở lên.

Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Trưởng Văn phòng công chứng và phải là công chứng viên đã hành nghề công chứng từ đủ 02 năm trở lên.

...

Hiện hành, tại Khoản 1 Điều 22 Luật công chứng 2014 quy định về loại hình doanh nghiệp của Văn phòng công chứng như sau:

Điều 22. Văn phòng công chứng

1. Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh.

Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn.

...

Có thể thấy, theo quy định hiện hành thì Văn phòng công chứng là loại hình công ty hợp danh. Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2024 tại các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật công chứng và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.

Danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân và việc chuyển đổi loại hình Văn phòng công chứng tại các đơn vị hành chính cấp huyện do Chính phủ quy định.

Đồng thời, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Trưởng Văn phòng công chứng và phải là công chứng viên đã hành nghề công chứng từ đủ 02 năm trở lên.

Bùi Thị Như Ý
125

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]