04/07/2024 17:51

Từ 01/01/2025, khách hàng chưa cung cấp dữ liệu sinh trắc học sẽ bị dừng toàn bộ giao dịch trực tuyến

Từ 01/01/2025, khách hàng chưa cung cấp dữ liệu sinh trắc học sẽ bị dừng toàn bộ giao dịch trực tuyến

Sắp tới nếu khách hàng chưa cung cấp dữ liệu sinh trắc học thì sẽ bị dừng toàn bộ các giao dịch trực tuyến có đúng không?

Từ 01/01/2025, khách hàng chưa cung cấp dữ liệu sinh trắc học sẽ bị dừng toàn bộ giao dịch trực tuyến

Theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 17 Thông tư 17/2024/TT-NHNN thì ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi hướng dẫn khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán phải đảm bảo nguyên tắc sau:

- Phạm vi sử dụng và hạn mức giao dịch theo từng đối tượng khách hàng phù hợp với quy định về quản lý rủi ro và thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán;

- Có đủ thông tin cần thiết để kiểm tra, đối chiếu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán;

- Chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức) với:

+ Dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước của người đó đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; hoặc

+ Dữ liệu sinh trắc học được thu thập thông qua gặp mặt trực tiếp người đó đối với trường hợp là người nước ngoài không sử dụng danh tính điện tử, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; hoặc

+ Dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập và kiểm tra (đảm bảo sự khớp đúng giữa dữ liệu sinh trắc học của người đó với dữ liệu sinh trắc học trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc với dữ liệu sinh trắc học của người đó thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập); hoặc

+ Dữ liệu sinh trắc học của người đó được lưu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp sử dụng thẻ căn cước công dân không có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa;

Cũng tại khoản 6 Điều 16 Thông tư 18/2024/TT-NHNN có quy định rằng thẻ chỉ được sử dụng để thực hiện giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử khi đã hoàn thành việc đối chiếu đảm bảo khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ thẻ với:

- Dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; hoặc

- Dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập và kiểm tra (đảm bảo sự khớp đúng giữa dữ liệu sinh trắc học của người đó với dữ liệu sinh trắc học trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc với dữ liệu sinh trắc học của người đó thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập); hoặc

- Dữ liệu sinh trắc học được thu thập thông qua gặp mặt trực tiếp người đó đối với trường hợp là người nước ngoài không sử dụng danh tính điện tử, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; hoặc

- Dữ liệu sinh trắc học của người đó được lưu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp sử dụng thẻ căn cước công dân không có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa.

Cả 02 quy định tại Thông tư 17/2024/TT-NHNN, Thông tư 18/2024/TT-NHNN nêu trên đều có hiệu lực từ ngày 01/1/2025. Điều đó có nghĩa rằng kể từ thời điểm này, nếu khách hàng không cung cấp dữ liệu sinh trắc học và chưa được kiểm tra đối chiếu thì sẽ bị dừng toàn bộ các giao dịch trực tuyến. Khi đó, khách hàng chỉ có thể trực tiếp đến ngân hàng để thực hiện giao dịch.

Ngân hàng nhà nước cũng cho biết thêm rằng: Mục tiêu của nhà điều hành năm 2025 là sẽ xây dựng, quản lý toàn bộ hệ thống tài khoản, thẻ, ví, đơn vị chấp nhận thanh toán... trong toàn quốc. Qua đó, Ngân hàng nhà nước sẽ cung cấp đánh giá tổng thể về từng tài khoản cho các tổ chức tín dụng theo trạng thái có vấn đề hoặc chưa có vấn đề nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng làm làm sạch dữ liệu, ngăn chặn các giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo,…

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

Theo Điều 17 Thông tư 15/2024/TT-NHNN thì tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phải có trách nhiệm sau đây:

(1) Thực hiện đúng, đầy đủ các điều kiện, quy trình đối với các dịch vụ thanh toán theo quy định tại Thông tư này và theo thỏa thuận giữa tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật.

(2) Hoàn trả hoặc phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoàn trả đầy đủ số tiền thụ hưởng do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển thừa, chuyển nhầm (bao gồm cả lỗi tác nghiệp, sự cố hệ thống của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán).

(3) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin và chứng từ thanh toán mà mình cung cấp.

(4) Tự bảo vệ các bí mật thông tin tài khoản, giao dịch của cá nhân, tổ chức để đảm bảo an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán; thông báo kịp thời cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khi phát hiện thấy có sai sót, nhầm lẫn trong giao dịch thanh toán hoặc nghi ngờ thông tin giao dịch bị lợi dụng.

(5) Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Thông tư 15/2024/TT-NHNN và quy định của pháp luật có liên quan.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
10821

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]