09/12/2019 11:26

Trường hợp tai nạn chết người nhưng không phải bồi thường

Trường hợp tai nạn chết người nhưng không phải bồi thường

Hiện nay, tình trạng tai nạn giao thông ngày một tăng, không ít vụ vi phạm an toàn giao thông dẫn đến chết người. Nhưng có phải tất cả những trường hợp tai nạn chết người đều phải bồi thường thiệt hại (BTTH) ngay cả khi lỗi hoàn toàn thuộc về bên bị thiệt hại?

Dưới dây là một ví dụ điển hình để trả lời câu hỏi trên.

Tại Bản án 42/2018/DS-ST ngày 09/10/2018 của Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án về tranh chấp BTTH tính mạng, cụ thể:

" Vụ tai nạn giao thông xảy ra vào lúc 19 giờ 20 phút ngày 12/9/2016, tại xã T, huyện Giồng Riềng giữa xe honda BS 68 T6 – 5119 do ông Võ Văn C điều khiển chở sau là Võ Văn M và xe ô tô 7 chỗ BS 68A 015.96 do tài xế anh Lê Quốc T điều khiển. Hậu quả vụ tai nạn trên khiến cho ông C và ông M bị xe ô tô 7 chỗ cán chết.

Nguyên nhân vụ tai nạn giao thông đã xác định ông Võ Văn C là người điều khiển xe có nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép 139,98 mg/100ml máu, phía sau chở ông M, không làm chủ tay lái, loạng choạng trượt ngã sang lề trái gây tai nạn. Anh T chạy không vượt quá tốc độ cho phép, không sử dụng rượu bia khi điều khiển.

Các đồng nguyên đơn là gia đình của ông Võ Văn M và Võ Văn C khởi kiện yêu cầu anh Lê Quốc T và bà Danh Thị Thu Đ là chủ phương tiện cùng liên đới BTTH tính mạng cho chồng, cha và con của các đồng nguyên đơn" .

Hội đồng xét xử căn cứ vào quy định tại Khoản 1 – Điều 9; Khoản 1 - Điều 604; 606; 621; 623 của Bộ luật Dân sự năm 2005Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP không chấp nhận yêu cầu BTTH tính mạng của các nguyên đơn.

Trong vụ án này, Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng đưa ra những lập luận sau:

+ Đối với việc yêu cầu anh Lê Quốc T bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại mục 1 phần I Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về BTTH ngoài hợp đồng, đã xác định trách nhiệm bồi thường phát sinh khi phải có 4 điều kiện sau: có thiệt hại xảy ra, có hành vi trái pháp luật, có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật và phải có lỗi hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.

Thấy rằng thiệt hại xảy ra là có thật, hậu quả đã làm ông C và ông M chết, làm mất mát và tổn thất tinh thần cho các nguyên đơn. Tuy nhiên, căn cứ vào các lời khai của những người chứng kiến sự việc được do Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Giồng Riềng thu thập, biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn, biên bản xác định nguyên nhân vụ tai nạn giao thông đường bộ đã xác định ông Võ Văn C người điều khiển xe phía sau chở ông M không làm chủ tay lái, loạng choạng trượt ngã sang lề trái gây tai nạn, sự việc diễn ra bất ngờ nên việc anh T người điều khiển xe ô tô cán phải dẫn đến thiệt hại tính mạng của ông C và ông M.

Theo quy định tại Điều 11 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (nay là Điều 20 Bộ luật Hình sự năm 2015) thì sự kiện bất ngờ là khi người thực hiện hành vi không thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Và cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Giồng Riềng đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự nên hành vi trên của anh T không được xem là hành vi trái pháp luật.

Mặc khác, ông C là người điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ nhưng tại biên bản kết luận giám định pháp y về hóa pháp xác định nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép 139,98 mg/100ml máu. Bản thân anh T chấp hành nghiêm chỉnh quy định luật giao thông đường bộ có giấy phép lái xe, chạy không vượt quá tốc độ cho phép, không sử dụng rượu bia khi điều khiển. Do đó, anh T không có lỗi dẫn đến thiệt hại mà lỗi là do phía ông C.

Vì vậy, anh Lê Quốc T không có trách nhiệm phải BTTH.

+ Đối với việc yêu cầu bà Đ là chủ sở hữu xe phải có trách nhiệm liên đới bồi thường

Tại Khoản 2 - Điều 623 của Bộ luật dân sự năm 2005 (nay là Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015) và điểm b mục 2 phần III Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về BTTH ngoài hợp đồng như sau:

“Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường”,

“ Người được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao cho chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật phải BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra……”.

Trong trường hợp này, bà Thu Đ khi giao cho anh T điều khiển, anh T có giấy phép lái xe và không sử dụng bia rượu nên bà Thu Đ giao xe cho anh T điều khiển là hợp pháp, đúng quy định của pháp luật. Mặc khác, anh T là con bà nhưng anh T đã trưởng thành. Trong vụ tai nạn trên, anh T là người được xác định không có lỗi, anh T không có trách nhiệm phải BTTH.

Vì vậy, Bà Đ là chủ sở hữu xe cũng không phải có trách nhiệm liên đới bồi thường.

Việc xác định BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra rất quan trọng. Dấu hiệu quan trọng nhất để xác định trách nhiệm này là hoạt động tự thân của nguồn nguy hiểm cao độ chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại (ví dụ xe ô tô đang đi thì bị nổ lốp gây thiệt hại, xe ô tô xuống dốc thì bị đứt phanh gây tai nạn...). Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi, do hành vi của người điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ  thì đây chỉ là BTTH thông thường (ví dụ đi ngược chiều gây tai nạn).

Ta thấy rằng, trong vụ án này xe ôtô chỉ là phương tiện liên quan đến việc gây ra thiệt hại, còn bản thân sự hoạt động tự thân của xe ôtô không gây ra thiệt hại. Vì vậy, Tòa án đã xác định đây là BTTH thông thường, từ đó xác định 4 điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường. 

Khi đã là BTTH thông thường, yếu tố lỗi rất quan trọng để xác định xem người đó có phải chịu trách nhiệm BTTH hay không. Bởi, khác với BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, ngay cả khi chủ sở hữu hay người sử dụng nguồn nguy hiểm không có lỗi thì cũng phát sinh trách nhiệm BTTH, còn yếu tố lỗi trong BTTH thông thường là yếu tố bắt buộc phải có. Như trong vụ án này, anh T được xác định là không có lỗi, lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân, đồng thời không có hành vi vi phạm pháp luật nên anh T không phải bồi thường.

Như vậy, khi tai nạn giao thông dẫn đến chết người, việc đầu tiên là phải xác định xem đây là thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hay chỉ là tai nạn liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu là thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ có trách nhiệm bồi thường ngay cả khi bản thân họ không có lỗi. Còn nếu chỉ là tai nạn liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ thì đây là BTTH thông thường, tòa án sẽ xem xét có đủ bốn điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH không, nếu có đủ bốn điều kiện này thì người gây thiệt hại mới phải bồi thường.

Thu Linh
4958

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]