Theo quy định pháp luật hiện hành thì người lao động giảm giờ làm việc vẫn được hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:
(1) Lao động nữ đang trong thời gian hành kinh
Căn cứ tại khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định, theo đó lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời gian làm việc và vẫn được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.
Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ, nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động;
Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;
Trường hợp lao động nữ có nhu cầu làm việc trong thời gian được giảm này và người sử dụng lao động đồng ý thì lao động nữ sẽ được hưởng thêm 100% lương cho công việc đang làm, tức sẽ được hưởng tổng cộng là 200% lương cho giờ đó nếu có làm việc
(2) Lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Cũng theo khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động;
Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;
Trường hợp có nhu cầu làm việc trong thời gian được giảm thì cũng giống với trường hợp nêu trên, lao động nữ sẽ được hưởng lương gấp đôi theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.
(3) Lao động nữ làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con
Căn cứ tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật lao động 2019, trường hợp lao động nữ làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con sẽ được giảm 1 giờ làm việc, hưởng nguyên lương nếu như người sử dụng lao động không thể bố trí công việc khác nhẹ hơn cho người lao động.
Trường hợp lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì sẽ được giảm tổng cộng là 2 giờ làm việc, hưởng nguyên lương (trong đó, 1 giờ được giảm là chế độ chung với lao động nữ bình thường, 1 giờ được giảm là do làm công việc nặng nhọc, độc hại).
Tại khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
...
Theo đó, tùy vào mục đích xin nghỉ, người lao động nghỉ việc riêng vẫn được hưởng nguyên lương trong các trường hợp sau đây:
- Nghỉ kết hôn: Được nghỉ 03 ngày nếu như người lao động kết hôn; nghỉ 01 ngày đối với con đẻ, con nuôi người lao động kết hôn.
- Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: Người lao động được nghỉ 03 ngày.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng khi nghỉ việc riêng, người lao động phải thông báo trước cho người sử dụng lao động biết để được hưởng nguyên nguyên lương.
Trân trọng!