20/09/2019 07:59

Trường hợp không đăng ký kết hôn mà vẫn công nhận là vợ chồng?

Trường hợp không đăng ký kết hôn mà vẫn công nhận là vợ chồng?

Nhiều người nghĩ rằng vợ chồng phải “lên phường”, có giấy “đăng ký kết hôn” mới được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp. Vậy có trường hợp nào không đăng ký kết hôn mà vẫn được công nhận là vợ chồng?

Cụ thể tại Bản án số 61/2017/HNGĐ-ST ngày 30/08/2017 về xin ly hôn của Toà án nhân dân huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp như sau:

" Bà Huỳnh Thị Ngọc T và ông Đỗ Văn T sống chung từ năm 1983, không có đăng ký kết hôn.

Thời gian đầu ông, bà chung sống hạnh phúc, đến năm 2010 thì phát sinh mâu thuẩn, nguyên nhân do bất đồng quan điểm, không còn hòa hợp. Ông To sống không có trách nhiệm với gia đình, không quan tâm chăm sóc vợ con mà thường xuyên uống rượu và cờ bạc, khi say về nhà lại kiếm chuyện chửi mắng đánh đập vợ con. Bà Tí đã nhiều lần khuyên nhủ nhưng ông To vẫn không thay đổi mà còn ra tay đánh bà, mặc dù bà đã cố hàn gắn tình cảm vợ chồng nhưng không thành. Vợ chồng không còn chung sống từ năm 2012 đến. Nay bà Tí nhận thấy không còn tình cảm với ông To, hai bên không thể hàn gắn được nên yêu cầu được ly hôn với ông Đỗ Văn To.

Mặc dù Bà Huỳnh Thị Ngọc Tí và ông Đỗ Văn To chung sống với nhau không đăng ký kết hôn nhưng tòa án vẫn xác định đây là hôn nhân hợp pháp, việc ly hôn sẽ tuân theo quy định của luật hôn nhân gia đình" .

Tòa án sau đó đã giải quyết để cho Bà Huỳnh Thị Ngọc T được ly hôn với ông Đỗ Văn T.

Tại bản án, tòa án đã áp dụng Luật hôn nhân gia đình năm 2000, trong luật có quy định như sau:

Điều 11. Đăng ký kết hôn

1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi là cơ quan đăng ký kết hôn) thực hiện theo nghi thức quy định tại Điều 14 của Luật này.

Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định tại Điều 14 của Luật này đều không có giá trị pháp lý.

Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Vợ chồng đã ly hôn muốn kết hôn lại với nhau cũng phải đăng ký kết hôn.

2. Chính phủ quy định việc đăng ký kết hôn ở vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, ngày 09 tháng 06 năm 2000 Quốc hội thông qua Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 về thi hành luật hôn nhân và gia đinh năm 2000 đã có hướng dẫn như sau:

3. Việc áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này được thực hiện như sau:

a. Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000;

Việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng có được pháp luật công nhận hay không sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền, nghĩa vụ của 2 bên trong thời kì hôn nhân cũng như khi ly hôn. Nếu là hôn nhân hợp pháp, hai bên sẽ được pháp luật bảo vệ, được thừa hưởng những quyền lợi theo pháp luật. Và muốn được pháp luật công nhận thì điều họ cần làm là đăng ký kết hôn. Nhưng tại sao lại có trường hợp không đăng ký kết hôn mà vẫn được công nhận là hôn nhân hợp pháp như trường hợp bản án nêu trên?

Theo quy định trên, nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 (ngày có hiệu lực của Luật hôn nhân và gia đình 1986) dù không đăng ký kết hôn vẫn được công nhận là vợ chồng hợp pháp.

Ngoài ra, trong Nghị quyết 35/2000/QH10 còn quy định các trường hợp nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng khác:

Trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001 mà có đủ điều kiện kết hôn thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn (bắt buộc). Thời hạn đi đăng ký là 02 năm, kể từ ngày  01/01/2001 đến ngày 01/ 01/2003.  Nếu sau 01/01/2003 mà họ vẫn không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng hợp pháp.

+ Trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng sau ngày 01/01/2001 mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận quan hệ vợ chồng là hợp pháp.

Khi được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp, các quyền, nghĩa vụ của vợ chồng trong hôn nhân sẽ được pháp luật bảo vệ. Ví dụ, tài sản do một hoặc 2 người tạo lập trong thời kỳ hôn nhân (được tính từ ngày đăng ký kết hôn) là đồng sở hữu của vợ chồng nên có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng. Trường hợp sau khi kết hôn, nếu một trong 2 người qua đời thì vấn đề thừa kế được đặt ra như sau:

- Người chết không có di chúc, di sản của họ được chia theo pháp luật, nghĩa là tài sản để lại được chia theo hàng thừa kế: cha, mẹ, vợ, chồng, con của người chết thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

- Người chết viết di chúc, di sản thừa kế được chia theo ước nguyện của họ. Tuy nhiên, những người sau đây cũng được hưởng thừa kế dù không phụ thuộc vào nội dung di chúc, gồm: con chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi), hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động như bị tật nguyền về thể chất hoặc tinh thần; cha, mẹ, vợ hoặc chồng của người chết.

Mặt khác, nếu không đăng ký kết hôn thì về mặt pháp lý, họ là người chưa có vợ hoặc chưa có chồng nên có quyền đăng ký kết hôn với người khác, miễn là không vi phạm điều cấm kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình.

Hiện nay, Luật hôn nhân gia đình 2014 đang có hiệu lực thi hành, quy định:

Điều 9. Đăng ký kết hôn

1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

Như vậy, pháp luật hiện hành chỉ công nhận vợ chồng hợp pháp khi họ có đăng ký kết hôn. Những cặp nam nữ đang sống chung với nhau như vợ chồng mà chưa đăng ký kết hôn sẽ không được pháp luật thừa nhận. Vì vậy, vợ chồng khi kết hôn cần đăng ký tại cơ quan nhà nước để bảo vệ tốt nhất các quyền, nghĩa vụ của vợ chồng trong hôn nhân, đảm bảo hôn nhân tiến bộ, một vợ một chồng.

Quang Chính
72534

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]