22/04/2023 17:15

Trường hợp được quyền khám xét, truy đuổi tàu thuyền nước ngoài trên biển

Trường hợp được quyền khám xét, truy đuổi tàu thuyền nước ngoài trên biển

“Tôi muốn tìm hiểu các trường hợp được quyền khám xét, truy đuổi tàu thuyền nước ngoài trên biển đông, mong Ban biên tập giúp tôi. Xin cảm ơn!_Quốc Nhật(Đà Nẵng)

Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Quy định về quyền khám xét tàu thuyền nước ngoài trên biển

Theo Điều 110 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 quy định quyền khám xét tàu thuyền nước ngoài trên biển như sau:

- Một tàu chiến chỉ có thể khám xét khi gặp một chiếc tàu nước ngoài trên biển, nếu có những lý do đúng đắn để nghi ngờ chiếc tàu đó cụ thể:

+ Tiến hành cướp biển.

+ Chuyên chở nô lệ.

+ Dùng vào các cuộc phát sóng không được phép, quốc gia mà chiếc tàu mang cờ có quyền tài phán theo Điều 109 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

+ Không có quốc tịch; hay thật ra là cùng quốc tịch với chiếc tàu chiến, mặc dù chiếc tàu này treo cờ nước ngoài hay từ chối treo cờ của mình.

- Tàu chiến có thể kiểm tra các giấy tờ cho phép mang cờ. Vì mục đích này, tàu chiến có thể phái một chiếc xuồng, dưới sự chỉ huy của một sĩ quan, đến gần chiếc tàu bị tình nghi. Sau khi kiểm tra các tài liệu, nếu vẫn còn nghi vấn thì có thể tiếp tục điều tra trên tàu với một thái độ hết sức đúng mực.

- Nếu việc nghi ngờ xét ra không có cơ sở thì chiếc tàu bị khám xét được bồi thường về mọi tổn thất hay thiệt hại xảy ra, với điều kiện là chiếc tàu này không phạm một hành động nào làm cho nó bị tình nghi.

- Các điều quy định này được áp dụng mutatis mutandis (với những sửa đổi cần thiết về chi tiết) đối với các phương tiện bay quân sự.

- Các điều quy định này cũng được áp dụng đối với tất cả các tàu thuyền hay phương tiện bay khác đã được phép một cách hợp lệ và mang những dấu hiệu bên ngoài chỉ rõ rằng chúng được sử dụng cho một cơ quan Nhà nước.

Lưu ý:

Theo Điều 95 và 96 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 quy định về quyền miễn từ đối với các tàu chiến trên biển cụ thể:

- Các tàu chiến trên biển được hưởng quyền miễn trừ hoàn toàn về tài phán của bất kỳ quốc gia nào khác ngoài quốc gia mà tàu mang cờ.

- Các tàu thuyền của Nhà nước hay do Nhà nước khai thác và chỉ dùng cho một cơ quan Nhà nước không có tính chất thương mại trên biển được hưởng quyền miễn trừ hoàn toàn về tài phán của bất kỳ quốc gia nào khác ngoài quốc gia mà tàu mang cờ.

Như vậy, trừ những trường hợp theo quy định tại Điều 95, Điều 96 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 thì một tàu chiến có quyền khám xét một tàu nước ngoài trên biển nếu có những lý do nghi ngờ đúng đắn. Đồng thời, việc nghi ngờ sau khi khám xét nếu không có cơ sở thì tàu bị khám xét được bồi thường về mọi tổn thất hay thiệt hại xảy ra.

2. Quy định về quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài trên vùng biển Việt Nam

Theo Điều 41 Luật biển Việt Nam năm 2012 quy định về quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài như sau:

- Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam nếu các tàu thuyền này đang ở trong nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam.

- Quyền truy đuổi được tiến hành sau khi lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển đã phát tín hiệu yêu cầu tàu thuyền vi phạm hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật dừng lại để tiến hành kiểm tra nhưng tàu thuyền đó không chấp hành. Việc truy đuổi có thể được tiếp tục ở ngoài ranh giới của lãnh hải hay vùng tiếp giáp lãnh hải Viêt Nam nếu được tiến hành liên tục, không ngắt quãng.

- Quyền truy đuổi cũng được áp dụng đối với hành vi vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm trong phạm vi vành đai an toàn và trên các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

- Việc truy đuổi của các lực lượng tuần tra, kiểm soát Việt Nam chấm dứt khi tàu thuyền bị truy đuổi đi vào lãnh hải của quốc gia khác.

Như vậy, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển sẽ là đối tượng có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam nếu các tàu thuyền này đang ở trong vùng lãnh hải hay các vùng tiếp giáp lãnh hải, nội thủy của Việt Nam.

Cũng theo Điều 111 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 quy định quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài trên biển như sau:

- Trường hợp mà chiếc tàu bị một phương tiện bay truy đuổi:

+ Các khoản 1 đến 4 được áp dụng mutatis mutandis (với những thay đổi cần thiết và chi tiết) Điều 111 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982;

+ Phương tiện bay nào phát lệnh dừng lại phải tự mình truy đuổi chiếc tàu cho đến lúc một chiếc tàu hay phương tiện bay khác của quốc gia ven biển; sau khi được phương tiện bay ban đầu thông báo, đã đến những vị trí để tiếp tục cuộc truy đuổi nếu như phương tiện ban đầu không thể giữ được chiếc tàu.

+ Để chứng minh cho việc bắt một chiếc tàu dừng lại ở ngoài lãnh hải là đúng, thì riêng việc phát hiện chiếc tàu này đã vi phạm hay bị nghi ngờ là vị phạm là chưa đủ, mà còn phải xác định đồng thời xem nó có bị phương tiện bay hay tàu khác yêu cầu dừng lại và việc truy đuổi này phải không hề bị gián đoạn.

+ Không thể đòi hủy lệnh giữ một chiếc tàu bị bắt ở địa điểm thuộc quyền tài phán của một quốc gia và bị dẫn độ về một cảng của quốc gia này để cho các nhà đương cục có thẩm quyền tiến hành điều tra với lý do duy nhất là vì hoàn cảnh bắt buộc chiếc tàu đó đã đi có hộ tống qua một phần của vùng đặc quyền về kinh tế hay của biển cả.

Lưu ý: Một chiếc tàu đã bị bắt dừng lại hay bị bắt ở ngoài lãnh hải trong những hoàn cảnh không chứng minh được cho việc sử dụng quyền truy đuổi thì được bồi thường về mọi tổn thất hay tổn hại nếu có.

Trân trọng!

Hứa Lê Huy
3301

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]