24/12/2022 14:47

Trộm cây cảnh ngày Tết bị xử lý như thế nào?

Trộm cây cảnh ngày Tết bị xử lý như thế nào?

Nhà tôi mới mua cây mai trị giá 3 triệu đồng để về trưng Tết nhưng bị lấy trộm. Tôi muốn hỏi với hành vi này thì kẻ trộm có thể phải ngồi tù bao nhiêu năm? (Ngọc Ngân – Vĩnh Long)

Chào bạn, Thư Viện Bản Án xin giải đáp câu hỏi của bạn như sau:

1. Trộm cây cảnh bị xử lý hành chính thế nào?

Tại Khoản 1, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác như sau:

"1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;

Khoản 2, Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân."

Như vậy, người nào có hành vi trộm cắp chậu hoa, cây cảnh dịp Tết có thế bị phạt tới 3.000.000 đồng. 

2. Trộm cây cảnh bị xử phạt hình sự thế nào?

Đối với hành vi trộm cây cảnh cụ thể là cây mai trị giá 3 triệu đồng của gia đình bạn thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản, cụ thể:

Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:

“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Tài sản là bảo vật quốc gia;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.”

Như vậy, kẻ trộm cây cảnh nhà bạn có thể phải chịu mức án phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Ngoài ra cũng xin nói thêm, đối với trường hợp trộm cắp tài sản chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi phạm tội có thể bị phạt tiền đến 3.000.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể:

“1.Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;

….”

3. Tình huống thực tế về xử phạt hình sự đối với hành vi trộm cây cảnh?

Mời bạn cùng tham khảo một tình huống tương tự đã được xét xử trên thực tế tại Bản án 59/2020/HS-ST ngày 09/06/2020 về tội trộm cắp tài sản

Do cần tiền tiêu xài nên Nguyễn Hoàng Phi L rủ Trương Tất T đi trộm hoa TSửết bán. T hỏi mượn xe máy của bà Nguyễn Thị Kim C (là người bán nước ở Công viên 23/9) sử dụng. Sau đó, L điều khiển xe máy chở T đi tìm hoa để lấy trộm. Cả hai nhìn thấy một điểm bán hoa của bà Nguyễn Thị Ngọc T, không ai trông coi nên L dừng xe đợi sẵn, còn T đi bộ vào khu vực bán hoa, lén lút ôm một chậu hoa cúc vàng, loại cúc đại đóa trưng Tết mang ra để lên xe cho L chở đi. Khi cả hai đang chở chậu hoa cúc đến trước số 205 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 7, Quận 3 thì gặp lực lượng Công an Quận 3 đang tuần tra phát hiện có biểu hiện nghi vấn nên kiểm tra. T và L khai nhận vừa trộm cắp hoa cúc nên bị đưa cùng vật chứng về Công an Phường. Tài sản trộm cắp được định giá là 01 chậu cúc (loại cúc đại đóa để chưng ngày Tết), cao khoảng 01 mét vào thời điểm tháng 02/2020 có giá trị là 340.000 đồng.

Hội đồng xét xử nhận định: Các bị cáo L và T đã từng đã bị kết án về tội trộm cắp tài sản chưa được xóa án tích, lại tiếp tục trộm cắp tài sản.

Do đó tuyên bố các bị cáo Nguyễn Hoàng Phi L và Trương Tất T đã phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Xử phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Phi L 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù giam và Trương Tất T 01 (một) năm tù giam.

Trân trọng!

Phương Uyên
1355

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]