08/11/2024 16:25

Trình tự thực hiện cho thuê môi trường rừng sản xuất để kinh doanh dịch vụ sinh thái?

Trình tự thực hiện cho thuê môi trường rừng sản xuất để kinh doanh dịch vụ sinh thái?

Dịch vụ môi trường rừng là hoạt động cung ứng các giá trị sử dụng của môi trường rừng. Pháp luật Việt Nam cho phép các cá nhân, tổ chức được thuê rừng, thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái. Vậy trình tự thực hiện cho thuê được thực hiện thế nào?

Chủ rừng được phép cho tổ chức, cá nhân thuê rừng, thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí

Theo quy định tại khoản 4 Điều 60 Luật Lâm nghiệp 2017 (được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 248 Luật Đất đai 2024) đối với rừng sản xuất chủ rừng được tự tổ chức, hợp tác, liên doanh, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê rừng, thuê môi trường rừng phù hợp với quyền của chủ rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí hoặc nuôi, trồng phát triển cây dược liệu hoặc để tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng không được ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đối với hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng sản xuất tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 156/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 1 Nghị định 91/2024/NĐ-CP) đề cập đối với chủ rừng là ban quản lý rừng đặc dụng và ban quản lý rừng phòng hộ được Nhà nước giao rừng sản xuất, tổ chức kinh tế được Nhà nước giao, cho thuê rừng sản xuất, tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp đang quản lý rừng sản xuất được tự tổ chức hoặc hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và trình tự thủ tục thực hiện cho thuê được thực hiện như hoạt động cho thuê trong rừng phòng hộ.

Trình tự thực hiện cho thuê môi trường rừng sản xuất để kinh doanh dịch vụ sinh thái thế nào?

Như đã đề cập trong phần trên thì đối với việc cho thuê môi trường rừng sản xuất để kinh doanh dịch vụ sinh thái thực hiện tương tự như cho thuê môi trường rừng phòng hộ, việc cho thuê môi trường rừng phòng hộ được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 23 Nghị định 156/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 1 Nghị định 91/2024/NĐ-CP), cụ thể sẽ gồm các bước:

+ Chủ rừng được cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng phòng hộ thông qua hợp đồng cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. 

Việc cho thuê môi trường rừng phải được thông báo công khai, rộng rãi trong thời gian tối thiểu là 30 ngày, bằng các hình thức: 

- Niêm yết tại trụ sở làm việc; 

- Đăng trên trang thông tin điện tử của đơn vị (nếu có); 

- Đăng trên cổng thông tin hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền cấp trên trực tiếp của chủ rừng.

+ Thông báo công khai về việc lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, gồm các nội dung cơ bản sau đây:

- Thông tin chung về chủ rừng;

- Vị trí, diện tích, địa điểm cho thuê môi trường rừng và phương thức dự kiến tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí;

- Tóm tắt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được phê duyệt;

- Hồ sơ kỹ thuật để lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng quy định tại điểm c khoản này;

- Thời gian, địa chỉ nộp hồ sơ đăng ký.

+ Chủ rừng tổ chức xây dựng hồ sơ kỹ thuật để lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng. Hồ sơ kỹ thuật trước khi thông báo công khai phải được chủ rừng quyết định phê duyệt, bao gồm các tiêu chí cơ bản sau đây:

- Yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí;

- Phương án tổ chức kinh doanh phù hợp với đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của khu rừng phòng hộ được phê duyệt;

- Phương án đầu tư tài chính; dự kiến nguồn thu và phương án giá thuê môi trường rừng;

- Phương án xử lý tài sản sau khi hết thời gian hợp đồng;

- Cam kết thời gian thực hiện dự án, thời gian khai thác, phát sinh doanh thu;

- Ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân đã nhận khoán bảo vệ rừng được đánh giá thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

- Các điều kiện chuyên môn về quản lý rừng bền vững và tiêu chí khác do chủ rừng quyết định mà không trái với quy định pháp luật.

- Các tiêu chí của hồ sơ kỹ thuật được quy ra số điểm để làm căn cứ đánh giá, lựa chọn với quy định điểm tối thiểu đủ điều kiện đạt của từng tiêu chí; tổng số điểm các tiêu chí đánh giá của hồ sơ kỹ thuật là 100, trong đó quy định tổng điểm tối thiểu đủ điều kiện; tổ chức, cá nhân đủ điều kiện khi đạt được điểm tối thiểu của tất cả các tiêu chí và tổng điểm tối thiểu đủ điều kiện.

+ Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí lập hồ sơ đăng ký theo các yêu cầu của chủ rừng được quy định tại điểm b khoản này và nộp cho chủ rừng.

+ Chủ rừng căn cứ hồ sơ đăng ký của tổ chức, cá nhân, tổ chức đánh giá để lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng bảo đảm theo tiêu chí của hồ sơ kỹ thuật và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn của mình. Trường hợp chỉ có một tổ chức, cá nhân đủ điều kiện, chủ rừng tiến hành đàm phán, ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng, bảo đảm giá thuê môi trường rừng không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm, thuộc phạm vi diện tích cho thuê môi trường rừng. Trường hợp có hai tổ chức, cá nhân trở lên đủ điều kiện thì lựa chọn tổ chức, cá nhân có số điểm đánh giá hồ sơ cao nhất; trong đó, yếu tố giá là một tiêu chí trong hồ sơ kỹ thuật, bảo đảm không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm, thuộc phạm vi diện tích cho thuê môi trường rừng.

+ Sau khi lựa chọn được tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng, chủ rừng báo cáo kết quả về cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để chỉ đạo, theo dõi và giám sát.

+ Giá cho thuê môi trường rừng trong hồ sơ đăng ký của tổ chức, cá nhân được tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng doanh thu và phải quy ra giá trị tuyệt đối để chủ rừng đánh giá, được ghi rõ trong hợp đồng cho thuê môi trường rừng.

+ Trước khi ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng theo mẫu tại Phụ lục IA kèm theo Nghị định này, chủ rừng phải thực hiện kiểm kê, thống kê hiện trạng rừng theo trạng thái trên diện tích cho thuê môi trường rừng để làm căn cứ bàn giao mốc giới, hiện trạng và quản lý, giám sát, đánh giá việc thực hiện hợp đồng.

Như vậy, việc cho thuê môi trường rừng sản xuất được thực hiện tương tự như cho thuê môi trường rừng phòng hộ để kinh doanh dịch vụ sinh thái và phải thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Xem thêm: 

Bảo vệ hệ sinh thái và động, thực vật rừng sản xuất như thế nào? Nội dung phát triển rừng sản xuất ra sao?

Đất rừng sản xuất là gì? Đất rừng sản xuất có thể sử dụng để tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí không?

Lê Anh Tú
278

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]