Theo quy định tại Khoản 13 Điều 3 Nghị định 114/2021/NĐ-CP thì “Thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi là văn bản thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi được ký kết nhân danh Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phải là điều ước quốc tế”.
Thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi bao gồm:
- Thỏa thuận khung là thỏa thuận liên quan tới chiến lược, chính sách, khuôn khổ hợp tác, lĩnh vực ưu tiên; nguyên tắc và điều kiện cần tuân thủ trong cung cấp và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; cam kết vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho một năm hoặc nhiều năm và những nội dung khác theo thỏa thuận của các bên ký kết;
- Và thỏa thuận cụ thể là thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi liên quan tới mục tiêu, hoạt động, thời gian thực hiện, kết quả phải đạt được; điều kiện tài trợ, vốn, cơ cấu vốn, điều kiện tài chính của vốn vay và lịch trình trả nợ; thể thức quản lý; nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các bên trong quản lý thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi và những nội dung khác theo thỏa thuận của các bên ký kết.
Căn cứ quy định tại Điều 31 Nghị định 114/2021/NĐ-CP thì việc ký kết thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi được đề xuất dựa trên các cơ sở cụ thể sau:
- Đối với thỏa thuận khung về vốn ODA, vốn vay ưu đãi: Cơ sở đề xuất ký kết là kết quả vận động, chiến lược và chính sách hợp tác phát triển, lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Việt Nam và nhà tài trợ nước ngoài hoặc quyết định đầu tư của chương trình, dự án nếu gắn với chương trình, dự án cụ thể.
- Đối với thỏa thuận cụ thể về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi: Cơ sở đề xuất ký kết là điều ước quốc tế khung hoặc thỏa thuận khung về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi (trong trường hợp có ký kết điều ước quốc tế khung hoặc thỏa thuận khung) và quyết định đầu tư chương trình, dự án.
- Đối với thỏa thuận cụ thể về vốn ODA không hoàn lại: Trong trường hợp nhà tài trợ yêu cầu ký kết, cơ sở đề xuất ký kết thỏa thuận về vốn ODA không hoàn lại là điều ước quốc tế khung về vốn ODA không hoàn lại (trong trường hợp có ký kết điều ước quốc tế) và Văn kiện dự án, phi dự án hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi (đối với dự án đầu tư) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Nghị định 114/2021/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 19, Khoản 20 Điều 1 Nghị định 20/2023/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện như sau:
Bước 1: Căn cứ vào cơ sở đề xuất ký kết thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi được quy định tại Điều 31 Nghị định 114/2021/NĐ-CP và đề nghị của cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính sẽ đề nghị nhà tài trợ hoặc bên cho vay nước ngoài gửi dự thảo thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi;
Bước 2: Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đàm phán thỏa thuận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi.
Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về việc đàm phán gồm:
- Văn bản đề xuất chủ trương đàm phán;
- Dự thảo thỏa thuận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi;
- Quyết định đầu tư dự án.
Bước 3: Căn cứ phê duyệt đàm phán của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan đối với dự thảo thỏa thuận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi. Các cơ quan được lấy ý kiến phải trả lời Bộ Tài chính bằng văn bản trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến và tài liệu liên quan.
Bước 4: Thực hiện đàm phán: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan khác có liên quan đàm phán với nhà tài trợ hoặc bên cho vay nước ngoài về dự thảo thỏa thuận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi.
Căn cứ kết quả đàm phán, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc ký thỏa thuận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi với nhà tài trợ hoặc bên cho vay nước ngoài.
Bước 5: Ký thỏa thuận vốn vay
Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc người được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền ký thỏa thuận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi với nhà tài trợ hoặc bên cho vay nước ngoài;
Lưu ý: Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện theo Khoản 1 Điều 33 Nghị định 114/2021/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 19, Khoản 20 Điều 1 Nghị định 20/2023/NĐ-CP (trình tự nêu trên) cùng được áp dụng đối với các trường hợp sau:
- Thỏa thuận về vốn theo cơ chế hòa trộn thì Bộ Tài chính thực hiện trình tự, thủ tục ký kết theo trình tự nêu trên.
- Các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi ký kết thành nhiều thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi theo tiến độ phân kỳ của dự án: Căn cứ giá trị khoản vay được xác định tại điều ước quốc tế khung đã ký tương ứng, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan thực hiện trình tự, thủ tục ký kết quy định tại quy định này.