Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty có thể giảm vốn điều lệ trong các trường hợp sau:
- Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên công ty
Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông.
- Công ty mua lại phần vốn góp đã bán theo:
+ Yêu cầu của cổ đông
Cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết.
+ Quyết định của công ty
Công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán
- Các cổ đông không thanh toán đầy đủ và đúng hạn vốn điều lệ
Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.
Căn cứ theo quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, trình tự, thủ tục điều chỉnh giấy phép kinh doanh để giảm vốn điều lệ được thực hiện như sau:
Hồ sơ giảm vốn điều lệ gồm:
- Đơn đề nghị điều chỉnh Giấy phép kinh doanh theo mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP
Mẫu số 2: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2023/don-de-nghi-dieu-chinh-gpkd.doc
- Bản giải trình có nội dung:
+ Giải trình về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh.
+ Kế hoạch kinh doanh.
+ Kế hoạch tài chính.
+ Tình hình kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa.
+ Tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tính tới thời điểm đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh (đối với tổ chức kinh tế có cơ sở bán lẻ tại Việt Nam)
- Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; nghị quyết, quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thay đổi vốn điều lệ;
- Một số giấy tờ khác có liên quan.
Bước 1: Gửi hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua mạng điện tử (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Cơ quan cấp Giấy phép.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa đủ và hợp lệ.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đủ và hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra việc đáp ứng điều kiện về việc giảm vốn điều lệ
Bước 3: Kiểm tra hồ sơ
- Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện giảm vốn điều lệ trên Giấy phép kinh doanh.
- Trường hợp từ chối cấp phép, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Bước 4: Cơ quan cấp Giấy phép gửi hồ sơ kèm văn bản lấy ý kiến Bộ Công Thương, bộ quản lý ngành về việc điều chỉnh Giấy phép kinh doanh.
Bước 5: Chấp thuận điều chỉnh Giấy phép kinh doanh
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương và bộ quản lý ban hành văn bản chấp thuận điều chỉnh Giấy phép kinh doanh trong trường hợp việc điều chỉnh vốn điều lệ trên Giấy phép kinh doanh.
- Trường hợp từ chối, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Bước 6: Điều chỉnh giảm vốn điều lệ
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương và bộ quản lý ngành, Cơ quan điều chỉnh giảm vốn điều lệ trên Giấy phép kinh doanh.
Bước 7: Hoàn trả Giấy phép kinh doanh
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy phép kinh doanh đã được điều chỉnh, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có trách nhiệm hoàn trả Giấy phép kinh doanh đã được cấp cho Cơ quan cấp Giấy phép.
Trân trọng!