07/02/2025 16:55

Trình tự cơ quan giải quyết đơn tố cáo về hành vi vi phạm hành chính của công dân

Trình tự cơ quan giải quyết đơn tố cáo về hành vi vi phạm hành chính của công dân

Trường hợp cơ quan nhà nước nhận đơn tố cáo của công dân về việc công dân khác có vi phạm hành chính về lĩnh vực mình quản lý thì cơ quan phải giải quyết đơn tố cáo thể nào?

Trình tự giải quyết đơn tố cáo của công dân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực

Theo khoản 1 Điều 42 Luật tố cáo 2018 có quy định: "Trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xác minh, kết luận nội dung tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được thực hiện theo quy định tại các điều 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39 và 40 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 43 của Luật này."

Như vậy, cơ quan nhà nước nhận đơn tố cáo của công dân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thì vẫn tiếp nhận đơn tố cáo, xử lý ban đầu thông tin tố cáo theo Điều 23, Điều 24 Luật tố cáo 2018. 

trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo này thì tiến hành thụ lý đơn tố cáo nếu đủ điều kiện thụ lý và xác minh, xử lý đơn tố cáo theo trình tự tại Điều 28 Luật tố cáo 2018:

Điều 28. Trình tự giải quyết tố cáo

1. Thụ lý tố cáo.

2. Xác minh nội dung tố cáo.

3. Kết luận nội dung tố cáo.

4. Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.

Trình tự giải quyết tố cáo của công dân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được thực hiện như trên.

Xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực

Theo Điều 41 Luật tố cáo 2018 về nguyên tắc xác định thẩm quyền:

-  Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.

- Tố cáo nhiều hành vi vi phạm pháp luật thuộc chức năng quản lý nhà nước của nhiều cơ quan thì các cơ quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp để thống nhất xác định cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước cấp trên quyết định giao cho một cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết.

- Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan thì cơ quan thụ lý đầu tiên có thẩm quyền giải quyết.

Như vậy, sau khi cơ quan tiếp nhận đơn tố cáo, cơ quan cần xác định thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo này có phải của mình hay không, cơ quan căn cứ thêm Điều 41 Luật tố cáo 2018 về nguyên tắc xác định thẩm quyền nêu trên để xác định.

Nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết, theo khoản 2 Điều 24 Luật tố cáo 2018, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

Thời hạn giải quyết đơn tố cáo về hành vi vi phạm hành chính của công dân

Theo Điều 30, khoản 2 Điều 42 Luật tố cáo 2018:

Điều 30. Thời hạn giải quyết tố cáo

1. Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.

2. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.

3. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

4. Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 42. Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo

...

2. Trường hợp pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có quy định về thời hạn giải quyết khác với quy định tại Điều 30 của Luật này thì thời hạn giải quyết tố cáo không được vượt quá thời hạn xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Như vậy, khi giải quyết đơn tố cáo về hành vi vi phạm hành chính của công dân, trường hợp pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có quy định về thời hạn giải quyết khác với quy định tại Điều 30 của Luật tố cáo 2018 thì thời hạn giải quyết tố cáo không được vượt quá thời hạn xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Trần Đăng Khoa
2

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]