Chào bạn, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Sau khi tòa tuyên án sơ thẩm bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác, trên mạng xã hội như Facebook, Tiktok xuất hiện trend “Ra khơi tìm kho báu” của bà Trương Mỹ Lan”.
Trend này được cho là xuất hiện từ một nội dung trên mạng xã hội: “Khi được tòa hỏi giấu 673.000 tỉ đồng ở đâu, bị cáo Trương Mỹ Lan trả lời: “Các ngươi muốn của cải của ta ư? Ta giấu ngoài biển khơi ấy, ngươi muốn thì ra đó mà tìm”.
Theo đó, cư dân mạng đã dùng hình ảnh, clip thật tại phiên tòa để lồng ghép nội dung sai lệch, bịa đặt việc bà Trương Mỹ Lan giấu kho báu ngoài khơi bằng cách dùng công nghệ AI.
“Kho báu” được mọi người nhắc đến thực chất là hơn 673 nghìn tỷ đồng phải bồi hoàn trong vụ Vạn Thịnh Phát. Và thực chất trong suốt quá trình xét xử phiên tòa và cả phần tuyên án không có chuyện bà Trương Mỹ Lan nói "673 nghìn tỷ ở ngoài biển" như trong clip đang tạo trend.
Việc tạo trend bằng cách lồng ghép hình ảnh để “câu view”, xả stress là chuyện vô cùng bình thường. Tuy nhiên việc lồng ghép hình ảnh trong hoạt động tố tụng tại Tòa án nhằm đưa thông tin sai lệch hoặc dùng hình ảnh thật rồi lồng ghép tiếng nói với nội dung sai lệch hoàn toàn, đưa thông tin không đúng sự thật có thể tác động xấu trên mạng, gây hoang mang trong dư luận là vi phạm pháp luật.
Mặc dù chỉ là những đoạn clip cắt ghép nhưng được làm một cách công phu và bài bản, nên đã khiến nhiều người tin rằng bà Trương Mỹ Lan đã khai tại Tòa rằng bà giấu 673 nghìn tỷ đồng ngoài khơi là thật. Việc này không chỉ tạo nên dư luận xấu, làm giảm sự uy nghiêm, phụng công thủ pháp của Tòa án mà còn xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của bà Trương Mỹ Lan.
Hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng là hành vi vi phạm luật an ninh mạng. Theo Điều 9 Luật An ninh mạng năm 2018, tùy từng tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, hành vi của người dựng video gốc có thể vi phạm các hành vi bị cấm nghiêm cấm về an ninh mạng theo điểm d Khoản 1 Điều 8 và điểm a, b Khoản 3, Khoản 5 Điều 16 Luật An ninh mạng 2016 như sau:
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng
…
d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;”
Điều 16. Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
….
3. Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm:
a) Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
….
Căn cứ theo điểm a khoản 1, khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội như sau:
- Hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
- Đối với hình phạt trên quy định áp dụng cho tổ chức, cụ thể mức phạt sẽ từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Còn khi cá nhân vi phạm thì mức phạt sẽ bằng 1/2 mức phạt của tổ chức theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Như vậy, người có hành vi đăng tin sai sự thật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật mà mình đã đăng.
Theo đó, người nào đăng tin sai sự thật lên mạng xã hội có thể bị truy cứu cách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác hoặc tội Vu khống. Cụ thể, căn cứ Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội làm nhục người khác như sau:
Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Bên cạnh đó, tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội vu khống như sau:
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, hành vi đăng tin sai sự thật lên mạng xã hội nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm tội vu khống hoặc tội làm nhục người khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự các tội này. Đối với tội làm nhục người khác thì sẽ phạt tiền lên đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Đối với tội vu khống người khác thì mức phạt cao nhất lên đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm tùy theo mức độ phạm tội.