12/11/2024 13:59

Trẻ dưới 16 tuổi chỉ được đăng ký tài khoản mạng xã hội thông qua cha mẹ từ 25/12/2024 đúng không?

Trẻ dưới 16 tuổi chỉ được đăng ký tài khoản mạng xã hội thông qua cha mẹ từ 25/12/2024 đúng không?

Có phải theo quy định mới nhất thì trẻ em dưới 16 tuổi chỉ có thể đăng ký tài khoản mạng xã hội thông qua cha, mẹ có đúng không?

Ngày 09/11/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.

Trẻ dưới 16 tuổi chỉ được đăng ký tài khoản mạng xã hội thông qua cha mẹ từ 25/12/2024 đúng không?

Cụ thể, theo khoản 3 Điều 27 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định thì ngoài việc phải đảm bảo các điều kiện về tổ chức nhân sự, kỹ thuật thì hệ thống kỹ thuật thiết lập mạng xã hội còn phải có khả năng đáp ứng các yêu cầu sau:

- Lưu trữ thông tin của người sử dụng dịch vụ từ Việt Nam khi đăng ký tài khoản mạng xã hội, bao gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam (hoặc số định danh cá nhân);

Trường hợp người sử dụng dịch vụ là trẻ em (dưới 16 tuổi) thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ em đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ em và có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội;

- Thực hiện xác thực tài khoản mạng xã hội của người sử dụng bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

Trường hợp người sử dụng dịch vụ sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

Đồng thời, tại khoản 10 Điều 82 Nghị định 147/2024/NĐ-CP cũng có quy định như sau:

Điều khoản chuyển tiếp

10. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước thực hiện xác thực những tài khoản đang hoạt động của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội theo quy định tại điểm e khoản 3 ĐIều 23 và điểm b khoản 3 Điều 27 Nghị định này.

Như vây, trong vòng 90 ngày kể từ ngày 25/12/2024, các mạng xã hội xuyên biên giới và mạng xã hội trong nước phải xác thực tài khoản mạng xã hội của người sử dụng dịch vụ bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Đối với trường hợp trẻ dưới 16 tuổi đăng ký tài khoản mạng xã hội thì phải đảm bảo rằng cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ sẽ là người đăng ký.

Tài khoản của trẻ sẽ được đăng ký bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ và đồng thời cha, mẹ, người giám hộ sẽ phải có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẽ thông tin trên mạng xã hội.

Ngoài ra, Điều 27 Nghị định 147/2024/NĐ-CP cũng quy định hệ thống kỹ thuật thiết lập mạng xã hội phải bảo đảm rằng chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (thông qua các hình thức viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Điều kiện về quản lý nội dung, thông tin đối với mạng xã hội trong nước từ ngày 25/12/2024

Theo khoản 2 Điều 28 Nghị định 147/2024/NĐ-CP thì điều kiện về quản lý nội dung, thông tin đối với mạng xã hội trong nước được quy định như sau:

- Có Thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội bảo đảm đầy đủ các nội dung được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 29 Nghị định 147/2024/NĐ-CP; đăng tải Thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội trên trang chủ mạng xã hội; bảo đảm người sử dụng dịch vụ phải đồng ý Thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội (bằng phương thức điện tử) thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tính năng của mạng xã hội;

- Có nhận sự trực 24/7 để xử lý các vấn đề gồm: Tiếp nhận, xử lý và phản hồi các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam; giải quyết và phản hồi khiếu nại từ người sử dụng dịch vụ Việt Nam;

- Có giải pháp kiểm duyệt nội dung đăng tải trên mạng xã hội;

- Có biện pháp bảo vệ thông tin của người sử dụng dịch vụ;

- Bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng dịch vụ trong việc cho phép thu thập thông tin của mình hoặc cung cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác;

- Không sắp xếp nội dung đăng tải của người sử dụng theo các chuyên mục cố định; không đăng tải hoặc cho người sử dụng (bao gồm cả nhân sự của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội) sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí và đăng tải lên mạng xã hội.

Đối với các cơ quan báo chí đăng tải nội dung trên mạng xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm g khoản 6 Điều 24 Nghị định 147/2024/NĐ-CP.

- Phân loại và hiển thị cảnh báo các nội dung không phù hợp với trẻ em; triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em.

Đỗ Minh Hiếu
364

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]