Ngày 28/11/2023, Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023.
1. Trật tự thôn là gì?
Theo đó, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 thì ta có thể hiểu rằng trật tự thôn là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của trật tự thôn thì được quy định tại Điều 4 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 như sau:
(1) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.
(2) Chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này.
(3) Đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.
(4) Không phân biệt đối xử về giới trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Việc tổ chức, hoạt động, chỉ đạo, điều hành lực lượng trật tự thôn sẽ do công an cấp xã trực tiếp quản lý.
(Căn cứ tại khoản 1 Điều 5 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023).
Theo Điều 14 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 thì trật tự thôn được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng hoặc được tuyển chọn theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở 2023.
Trật tụ thôn sẽ được bố trí thành Tổ bảo vệ an ninh, trật tự với địa bàn phụ trách là một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc tại huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
Căn cứ tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô dân số, diện tích tự nhiên của địa phương, HĐND cấp tỉnh quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn quản lý.
UBND cấp tỉnh quyết định số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự cần thành lập, số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý đến từng đơn vị hành chính cấp xã.
Theo Điều 8 Thông tư 14/2024/TT-BCA hướng dẫn Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 thì trật tự thôn sẽ được trang bị các công cụ hỗ trợ như sau:
- Dùi cui cao su: Trang bị cho 80% quân số lực lượng;
- Dùi cui kim loại: Trang bị cho 50% quân số lực lượng;
- Áo giáp chống đâm: Trang bị cho 30% quân số lực lượng;
- Găng tay bắt dao: Trang bị cho 30% quân số lực lượng;
Như vậy, trật tự thôn sẽ được trang bị các công cụ hỗ trợ gồm dùi cui, áo giáp chống đâm và găng tay bắt dao trong quá trình tham gia vào công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cấp cơ sở.
Hằng năm, Công an cấp xã tổng hợp nhu cầu số lượng, loại công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gửi Công an cấp huyện tổng hợp, gửi Công an cấp tỉnh lập dự trù kinh phí và gửi Cục Kế hoạch và tài chính thẩm định, tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an xem xét, quyết định.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 và Thông tư 14/2024/TT-BCA sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
Trân trọng!