Theo hướng dẫn tại QCVN 31:2014/BGTVT có quy định về thẻ nhận dạng lái xe như sau:
- Dung lượng bộ nhớ tối thiểu của thẻ: 64 byte.
- Dữ liệu ghi theo định dạng ASCII.
- Dữ liệu trên thẻ quy định như sau:
+ 16 byte đầu tiên: 15 byte đầu ghi số giấy phép lái xe, byte thứ 16 ghi mã kiểm tra;
+ 44 byte tiếp theo: các byte đầu ghi tên lái xe, các byte không có dữ liệu thì ghi số 0, byte thứ 44 ghi mã kiểm tra;
+ Các byte còn lại ghi theo quy định của đơn vị sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu TBGSHT;
- Quy định cách tính mã kiểm tra: tổng giá trị các byte dữ liệu cần kiểm tra và 255 lấy byte thấp;
- Thẻ nhận dạng lái xe phải tương thích với các loại đầu đọc thẻ đáp ứng yêu cầu quy định tại mục C.1 của Phụ lục C của QCVN 31:2014/BGTVT. Đơn vị sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu TBGSHT tự bảo mật việc ghi, xóa dữ liệu trên thẻ.
Theo quy chuẩn vừa nêu thì về cơ bản có thể hiểu thẻ nhận dạng lái xe là một phần trong bộ phận thu nhận thông tin lái xe của thiết bị giám sát hành trình xe ô tô, thuộc về phần cứng của thiết bị.
Căn cứ Nghị định 158/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 hướng dẫn trách nhiệm trong việc cấp và sử dụng thẻ nhận dạng lái xe như sau:
- Trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ trước khi cho xe khởi hành thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, người lái xe nhận nhiệm vụ phải sử dụng thẻ nhận dạng người lái xe của mình để đăng nhập thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe.
- Khi người lái xe kết thúc nhiệm vụ được giao hoặc kết thúc ca làm việc. Người lái xe phải thực hiện các nhiệm vụ: sử dụng thẻ nhận dạng người lái xe của mình để đăng xuất thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe; sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách).
- Đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ có trách nhiệm tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho người lái xe; cấp thẻ nhận dạng lái xe cho lái xe của đơn vị theo quy định. Đối với nhân viên phục vụ trên xe (nếu có), đơn vị kinh doanh vận tải tự xây dựng chương trình và tập huấn theo yêu cầu kinh doanh của đơn vị;
Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định về xử phạt đối với thẻ nhận dạng lái xe như sau:
Điều 23. Xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách, chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ
...
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
o) Không sử dụng thẻ nhận dạng lái xe để đăng nhập thông tin theo quy định hoặc sử dụng thẻ nhận dạng lái xe của lái xe khác để đăng nhập thông tin khi điều khiển xe ô tô chở khách;
...
Điều 24. Xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
b) Không sử dụng thẻ nhận dạng lái xe để đăng nhập thông tin theo quy định hoặc sử dụng thẻ nhận dạng lái xe của lái xe khác để đăng nhập thông tin khi điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa;
...
Điều 28. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ
...
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
e) Không cấp “thẻ nhận dạng lái xe” cho lái xe theo quy định;
Theo đó, tùy vào từng loại xe cụ thể mà người điều khiển xe không sử dụng thẻ nhận dạng lái xe để đăng nhập thông tin theo quy định sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Đồng thời đơn vị vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ không thực hiện việc cấp thẻ nhận dạng lái xe cho người điều khiển cũng sẽ bị phạt từ từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức.