27/01/2022 09:04

Trách nhiệm hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ của Tòa án trong tố tụng dân sự

Trách nhiệm hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ của Tòa án trong tố tụng dân sự

Hiện nay còn nhiều vụ án dân sự bị hủy, sửa có nguyên nhân từ việc pháp luật chưa quy định chặt chẽ trách nhiệm của Tòa án trong hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ. Qua phân tích một số vụ án cụ thể, tác giả kiến nghị: Hướng dẫn các trường hợp Tòa án có nghĩa vụ thu thập tài liệu, chứng cứ, kể cả khi đương sự không yêu cầu; áp dụng linh hoạt án lệ…

1. Về trách nhiệm của Tòa án trong việc hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ

Trước đây, quy tắc chung về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh của đương sự được đề cập trong các pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, lao động. Ngoài ra, xuất phát từ nguyên tắc xác định sự thật khách quan của vụ án, các pháp lệnh trước đây quy định Toà án là cơ quan giữ vai trò tích cực và chủ động trong công tác xác minh, thu thập chứng cứ. Nghĩa là, Toà án không chỉ xem xét, giải quyết vụ án trong phạm vi giới hạn những tài liệu, chứng cứ đã được đương sự xuất trình, mà còn có thể áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ do pháp luật quy định để bảo đảm việc giải quyết vụ án được chính xác, khách quan. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định này cho thấy dễ dẫn đến sự lạm quyền, thiên vị cho một bên hoặc “làm thay” cho các bên đương sự khi giải quyết vụ việc và hệ quả là nguyên tắc nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh của đương sự trong tố tụng dân sự chỉ còn mang tính hình thức, thủ tục. Do đó, nhằm khắc phục những bất cập trong các pháp lệnh, mở rộng nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, cũng như tăng cường yếu tố tranh tụng trong tố tụng dân sự, Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 đã quy định quyền, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trở thành nguyên tắc cơ bản.

Theo một số tác giả, blttds năm 2015 quy định Tòa án xét xử theo hướng “chứng cứ tới đâu, xét xử tới đó”, bất luận là chứng cứ ấy có đầy đủ hay không. Tác giả cho rằng, ý kiến này tuy không hoàn toàn chính xác nhưng có phần hợp lý. Bởi lẽ, pháp luật tố tụng dân sự hiện hành đã quy định rõ ràng Tòa án không thể tự mình thu thập chứng cứ mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ đương sự trong một số trường hợp luật định (các điều 98, 99, 100, 101, 102 BLTTDS năm 2015).

Nghiên cứu pháp luật tố tụng dân sự một số quốc gia trên thế giới, tác giả nhận thấy, các quốc gia này cũng quy định vai trò của Tòa án chỉ dừng lại ở khía cạnh hỗ trợ đương sự. Điều 65 Luật tố tụng dân sự Trung Quốc quy định đương sự phải có trách nhiệm cung cấp chứng cứ đúng thời hạn luật định. Tòa án sẽ dựa trên yêu cầu của các bên tham gia và hoàn cảnh xét xử vụ án để xác định chứng cứ mà một bên bắt buộc phải cung cấp, cũng như thời hạn tương ứng. Khi một bên gặp khó khăn trong việc cung cấp bằng chứng trong thời hạn mà pháp luật quy định thì bên đó có thể nộp đơn xin gia hạn. Tòa án sẽ xem xét và quyết định chấp thuận hay không. Trong trường hợp một bên không cung cấp bằng chứng cần thiết trong thời hạn đã định, Tòa án sẽ yêu cầu bên đó đưa ra lý do, nếu bên được yêu cầu từ chối hoặc lý do không chính đáng thì Tòa án sẽ xem xét, đánh giá dựa trên các tài liệu, chứng cứ đương sự đã cung cấp.

Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga cũng có những quy định liên quan đến trách nhiệm hỗ trợ của Tòa án. Theo đó, khi người tham gia tố tụng gặp khó khăn trong việc xuất trình chứng cứ thì theo yêu cầu của họ, Tòa án có thể giúp đỡ thu thập, yêu cầu cung cấp chứng cứ. Khoản 1 Điều 57 BLTTDS Liên bang Nga quy định: “Tòa án có quyền yêu cầu những người tham gia tố tụng xuất trình thêm chứng cứ”. Như vậy, theo quy định này, Tòa án cũng có quyền thu thập chứng cứ, tuy nhiên chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ đương sự trong những trường hợp mà họ không thể tự mình thu thập hoặc Tòa án xét thấy cần thiết. Đây là quy định khá tương đồng với BLTTDS năm 2015, song khác biệt nằm ở chỗ, BLTTDS Liên bang Nga trao cho Tòa án quyền áp dụng nhiều biện pháp pháp lý đa dạng để thu thập chứng cứ, chẳng hạn: Xem xét và đánh giá chứng cứ tại chỗ (Điều 58); ủy thác thu thập chứng cứ (Điều 62); trưng cầu giám định, bao gồm giám định tổng hợp và giám định tập thể (Điều 79, Điều 82 và Điều 83),…

2.  Thực tiễn thực hiện quy định về đảm bảo trách nhiệm của Tòa án trong việc hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ

2.1. Áp dụng các quy định của pháp luật về đảm bảo trách nhiệm hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ của Tòa án

Trong tố tụng dân sự, mặc dù Tòa án là cơ quan xét xử nhưng vẫn có nghĩa vụ chứng minh để làm sáng tỏ chân lý khách quan của vụ việc dân sự và hoạt động chứng minh của Tòa án còn là cơ sở cho các phán quyết của mình. Theo các văn bản quy phạm pháp luật trước BLTTDS năm 2004, trách nhiệm của Tòa án trong việc thu thập chứng cứ và chứng minh khá rộng và gần như là nghĩa vụ bắt buộc. Tòa án có nghĩa vụ chủ động điều tra, tiến hành xác minh, lập hồ sơ, đánh giá chứng cứ. Điều này vô hình trung dẫn đến “quá tải trong công việc, lãng phí nguồn nhân lực, gây tốn kém, thậm chí có thể hình thành sẵn định kiến với một trong các bên đương sự trong khi thu thập chứng cứ và nhiều khi đương sự ỷ lại, trông chờ vào Tòa án”.

Điểm hạn chế trong quy định về chứng cứ, chứng minh nằm ở chỗ, hiện nay nước ta vẫn chịu ảnh hưởng bởi mô hình tố tụng thẩm vấn. Do đó, vai trò và trách nhiệm của đương sự còn phụ thuộc nhiều vào Tòa án. Tòa án là chủ thể quyết định về thủ tục, giá trị, cũng như mức độ đầy đủ của chứng cứ. Điều này được thể hiện rất rõ trong các quy định liên quan đến hậu quả của việc đương sự không cung cấp đầy đủ chứng cứ và thực hiện nghĩa vụ chứng minh. Như vậy, mặc dù pháp luật tố tụng dân sự coi “cung cấp chứng cứ và chứng minh” là nguyên tắc đặc thù, thể hiện vai trò trung tâm, chủ đạo của đương sự nhưng việc kết luận, đánh giá sau cùng thì hoàn toàn do Tòa án quyết định, trong khi Tòa án chỉ có trách nhiệm hỗ trợ thì có đủ để bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không? Mặt khác, thực tế chứng minh rằng, nếu pháp luật chỉ dừng lại ở việc ghi nhận các nguyên tắc chung về quyền và nghĩa vụ mà thiếu các biện pháp hỗ trợ, bảo đảm thực hiện quyền thì công lý sẽ khó được thực thi.

Tác giả không phủ nhận trách nhiệm hỗ trợ đương sự của Tòa án tại Điều 6 BLTTDS năm 2015, cũng như các quy định khác liên quan, vì bản chất của quan hệ dân sự là quyền quyết định và tự định đoạt thuộc về mỗi đương sự và việc xác định trách nhiệm hỗ trợ của Tòa án trong nguyên tắc cơ bản là quy định tiến bộ. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc đề cao quyền và nghĩa vụ của đương sự mà chưa tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ cụ thể của Tòa án thì sự hỗ trợ này khó thực thi. Xét ở khía cạnh khác, với những chứng cứ mà chỉ đương sự tìm kiếm thu thập được, không thể giúp Tòa án có cơ sở để tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Hơn nữa, nếu việc thu thập, đánh giá chứng cứ của Tòa án chưa đầy đủ sẽ dẫn đến nhiều trường hợp bản án được tuyên thiếu chính xác, chưa đảm bảo quyền cho đương sự, nghiêm trọng hơn là bị Tòa cấp trên tuyên hủy để giải quyết, xét xử lại nhiều lần. Điển hình như một số vụ án sau:

- Vụ án thứ nhất:

Ông Vũ Văn B (nguyên đơn) và ông Trần Văn V (chủ doanh nghiệp tư nhân P - bị đơn) ký kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 01/2017/HĐHTKD thỏa thuận hợp tác đầu tư kinh doanh khai thác cát. Ngày 22/12/2017, ông B và chi nhánh H (chủ chi nhánh H là ông T) ký thêm biên bản thỏa thuận với nội dung chuyển tiền. Chi nhánh H và doanh nghiệp tư nhân P không thực hiện đúng cam kết nên ông B khởi kiện yêu cầu thực hiện đúng nghĩa vụ. Tại Bản án số 01/2018/KDTM-ST ngày 05/12/2018 của TAND huyện D, tỉnh T tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, theo đó nhận định: “Việc ông V và ông B xác lập Hợp đồng hợp tác kinh doanh dựa trên Biên bản thỏa thuận ngày 02/10/2016 và Giấy cam kết ngày 26/6/2017; các tài liệu, văn bản này có chữ ký của ông T và đóng dấu của doanh nghiệp tư nhân P, do ông B cung cấp, được ông V thừa nhận nên được xác định là chứng cứ có giá trị chứng minh trong vụ án theo quy định tại Điều 93 BLTTDS năm 2015”.

Tác giả cho rằng, nhận định này của Tòa án cấp sơ thẩm là thiếu căn cứ. Bởi lẽ, đây chỉ là các tài liệu mà nguyên đơn cung cấp và được sự thừa nhận từ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Hơn nữa, trong các bản khai, bị đơn bày tỏ sự không đồng ý và có ý kiến khác đối với nội dung mà nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã trình bày, thừa nhận (không biết ai ký, thời gian các tài liệu được ký, nội dung là gì?). Tuy nhiên, thay vì tiến hành các thủ tục khác để xem xét, đánh giá chứng cứ và làm rõ những nội dung còn mâu thuẫn, đảm bảo sự thống nhất và thuyết phục thì Tòa án cấp sơ thẩm lại chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Vụ việc này sau đó đã được Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố H xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm và ban hành Quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và giao cho TAND huyện D xét xử sơ thẩm lại. Do Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành trưng cầu giám định chữ ký trong giấy chuyển nhượng ngày 26/6/2017 mà chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là không có căn cứ vững chắc.

- Vụ án thứ hai:

Tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn - bà V, ông T và bị đơn - ông S, bà Y. Theo đó, ngày 28/4/1994, ông S được Ủy ban nhân dân xã G cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G876057 đối với thửa đất có diện tích 8.910m2. Ngày 04/9/1998, ông S, bà Y chuyển nhượng cho vợ chồng bà V, ông T một phần đất. Hợp đồng được ký kết, xác lập hợp pháp, ghi nhận diện tích chuyển nhượng là 3.700m2 (không ghi chiều rộng, chiều dài). Do có tranh chấp nên ngày 27/11/2001, đại diện hai bên đã ký biên bản cùng thống nhất xác định ranh giới và tiến hành cắm trụ, không tranh chấp nữa. Sau đó, do cho rằng ông S, bà Y giao thiếu đất nên bà V, ông T khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông S trả phần đất tranh chấp theo sơ đồ đo đạc ngày 23/9/2014. Bản án sơ thẩm số 07/2015/DSST ngày 12/5/2015 của TAND huyện G tuyên:

“Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T, bà V:

1. Buộc ông S, bà Y trả phần tranh chấp cho ông T, bà V theo sơ đồ đo đạc ngày 23/9/2014.

2. …

3. Kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện G tiến hành điều chỉnh lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông S, bà Y và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông T, bà V”.

Bản án phúc thẩm số 174/DS-PT ngày 02/10/2015 của TAND tỉnh K tuyên: Sửa bản án sơ thẩm theo hướng: “Chấp nhận một phần yêu cầu của ông T, bà V:

1. Buộc ông S, bà Y trả phần tranh chấp;

2. Buộc ông T, bà V hoàn trả giá trị quyền sử dụng đất thừa chiều dài so với tổng diện tích chuyển nhượng năm 1998;

3. Kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện G tiến hành điều chỉnh lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông S, bà Y và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông T, bà V”.

Căn cứ vào nhận định, đánh giá trong các bản án có thể thấy rằng, vụ án này Tòa án đã đưa ra phán quyết qua việc xem xét, đánh giá chứng cứ không đầy đủ. Theo đó, Tòa án không đánh giá toàn diện mà chỉ căn cứ vào một vài tài liệu, chứng cứ để xác định rằng đó là tình tiết quan trọng và đưa ra phán quyết. Bởi lẽ, diện tích đất mà ông S, bà Y đã chuyển nhượng là 3.700m2, số liệu này hoàn toàn phù hợp với thông tin về đối tượng trong hợp đồng chuyển nhượng và Giấy chứng nhận mà Ủy ban nhân dân xã G đã cấp cho ông T, bà V.

Ngoài ra, cũng theo thông tin xác định trong bản án thì quá trình giải quyết vụ án tại phiên tòa, nguyên đơn và bị đơn đều thống nhất sau khi chuyển nhượng, ông S giao đất bằng cách chỉ ranh giới mà không đo đạc cụ thể số liệu. Như vậy, vấn đề là số liệu liên quan đến chiều ngang, chiều dài cụ thể của thửa đất trong diện tích 3.700m2 mà ông T, bà V nêu dựa theo sơ đồ đo đạc đính kèm hợp đồng chuyển nhượng có cơ sở nào để xác định tính chính xác, khách quan hay không? Bởi lẽ: (i) Sơ đồ đo đạc không phải là nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng chuyển nhượng; (ii) Cả bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng đều không ký nhận hay cùng thừa nhận về nội dung này. Tuy nhiên, Tòa án chỉ căn cứ vào sơ đồ đo đạc và dựa vào lời khai của ông Nguyễn Văn U - cán bộ địa chính đo đạc vẽ sơ đồ khi chuyển nhượng năm 1998 để xem đây là tình tiết quan trọng để đưa ra phán quyết cuối cùng là có phần chủ quan.

Mặt khác, những tình tiết Tòa án cho rằng không có giá trị sử dụng như tác giả đã viện dẫn đều là những tình tiết khách quan, được thể hiện rõ trong các tài liệu, chứng cứ mà các bên cung cấp, Tòa án thu thập trong quá trình giải quyết vụ án. Các tài liệu trên được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục của BLTTDS năm 2015 và đều được cả hai bên thống nhất thừa nhận nhưng Tòa án lại không sử dụng để xem xét một cách khách quan, đầy đủ. Việc này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

2.2. Về hậu quả của việc đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp, giao nộp chứng cứ cho Tòa án

Trong tố tụng dân sự, Tòa án đóng vai trò là cơ quan nhân danh quyền lực nhà nước để tiếp nhận, xem xét, đánh giá các yêu cầu, tài liệu, chứng cứ trên cơ sở quy định pháp luật để đưa ra phán quyết cuối cùng. Do đó, Tòa án không có nghĩa vụ phải thu thập chứng cứ hay chứng minh thay cho đương sự. “Điều này khẳng định cơ hội, mức độ đương sự bảo vệ được lợi ích của mình trong vụ án hoàn toàn phụ thuộc vào việc họ có thực hiện tốt nghĩa vụ thu thập chứng cứ hay không mà không phụ thuộc vào vai trò của Tòa án. Bởi vì, có đầy đủ chứng cứ thì tất yếu Tòa án sẽ có cơ sở để bảo vệ quyền lợi cho họ; ngược lại, dù trên thực tế quyền lợi bị xâm phạm khá rõ ràng thì cũng không có cơ sở để Tòa án đưa ra phán quyết đảm bảo quyền lợi cho họ.

Thiết nghĩ, việc quy định hậu quả pháp lý mà đương sự phải chịu khi không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ chứng cứ cho Tòa án là phù hợp. Song đánh giá trong mối tương quan với trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, cũng như trách nhiệm hỗ trợ của Tòa án thì quy định này còn bất cập. Thực tế, xảy ra nhiều trường hợp đương sự không có khả năng thu thập, cung cấp chứng cứ, nói cách khác là họ không biết hoặc không đánh giá được tầm quan trọng của từng loại chứng cứ và không có khả năng thu thập hay yêu cầu Tòa án hỗ trợ thì trách nhiệm phải tự thu thập chứng cứ của đương sự theo tinh thần của nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh tại Điều 6 BLTTDS năm 2015 có được đặt ra hay không?.

Để lý giải cho bất cập trên, tác giả viện dẫn, phân tích vụ án tranh chấp thừa kế sau:

Năm 1994, bà Huỳnh Thị N khởi kiện yêu cầu TAND thành phố Đ giải quyết tranh chấp thừa kế giữa bà và ông Huỳnh Văn H - người thừa kế của cha, mẹ nuôi bà N. Năm 1996, bà N chết, Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án. Năm 2005, ông H khởi kiện cô Trần Thị Đ (con gái ruột của bà N) để đòi trả lại nhà số 22 Nguyễn B, phường 1, thành phố Đ do cha mẹ ông để lại. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2008/DSST ngày 24/3/2018 của TAND thành phố Đ, quyết định:

“1. Không chấp nhận bà N là con nuôi của cụ D và cụ Đ, bác yêu cầu chia di sản thừa kế của cô Trần Thị Đ.

2. Công nhận ông H là người con duy nhất của cụ D và cụ Đ.

3. Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc đòi lại tài sản mà cô Trần Thị Đ và những người con của cô đang ở”.

Không đồng ý với nội dung bản án sơ thẩm, bị đơn kháng cáo. Tại Bản án dân sự số 165/2008/DSPT ngày 11/9/2008, TAND tỉnh L tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm. Sau khi vụ án được xét xử phúc thẩm, cô Trần Thị Đ khiếu nại và Chánh án TAND tối cao có quyết định kháng nghị đối với 02 bản án nêu trên. Tại Quyết định giám đốc thẩm của Tòa dân sự TAND tối cao nhận định:

“… Để có cơ sở xác định bà N là con nuôi của hai cụ, cần hỏi thêm những người dân sống lâu năm tại địa phương thực chất về mối quan hệ giữa bà N và hai cụ; làm rõ ý chí của hai cụ trong việc nuôi dưỡng bà N, trách nhiệm của bà N đối với các cụ; đồng thời xác minh việc bà N chăm sóc các cụ khi đau ốm; việc lo ma chay, tang lễ khi các cụ chết. Mặt khác, cần làm rõ hồ sơ, giấy tờ hộ tịch bà N khai về cha, mẹ cũng như tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương về vấn đề này để xem xét, giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện.”

Như vậy, rõ ràng trong vụ án này, các đương sự không có khả năng và sự hiểu biết về pháp luật để tự mình thu thập chứng cứ, chứng minh. Họ cũng không biết phải yêu cầu cơ quan, tổ chức hay Tòa án hỗ trợ thu thập các chứng cứ như nhận định của TAND tối cao để chứng minh cho yêu cầu đã đưa ra hay phản đối yêu cầu của đương sự khác. Hơn nữa, tuy đã được hướng dẫn rất cụ thể về các vấn đề và chứng cứ cần phải thu thập, làm rõ, xác minh nhưng khi vụ án được xét xử sơ thẩm lần hai, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm vẫn không thực hiện các thủ tục để xác định rõ những vấn đề này.

3. Một số kiến nghị

Thứ nhất, cần có hướng dẫn cụ thể hơn quy định của BLTTDS năm 2015 về đảm bảo trách nhiệm hỗ trợ đương sự thu thập, cung cấp chứng cứ của Tòa án. Theo đó, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về các trường hợp Tòa án có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp pháp lý để thu thập tài liệu, chứng cứ, bao gồm cả trường hợp đương sự không có yêu cầu nhưng thông tin, tài liệu cần thu thập lại có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án.

Thứ hai, cần có các quy định về chế tài được áp dụng khi Tòa án có hành vi vi phạm tố tụng dẫn đến việc giải quyết vụ án thiếu khách quan, toàn diện, không chính xác. Tác giả kiến nghị cần căn cứ vào từng chủ thể vi phạm, hành vi vi phạm, tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm để thiết lập các chế tài pháp lý hiệu quả và khả thi.

Thứ ba, Tòa án cần định hướng, hướng dẫn đương sự trong công tác thu thập, cung cấp những chứng cứ mà đương sự không thể hoặc gặp khó khăn trong quá trình thu thập. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện nay đã công nhận và sử dụng án lệ là một nguồn luật chính thức khi giải quyết các tranh chấp. Vì vậy, Tòa án cần có sự vận dụng những quy định của pháp luật một cách linh hoạt hơn, tăng cường quá trình tuyển chọn, công nhận và áp dụng án lệ để đưa ra phán quyết khách quan, chính xác./.   

Ths. Nguyễn Thị Thu Sương

Nguồn: Kiemsat.vn

3003

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]