29/06/2022 10:56

Trách nhiệm của NSDLĐ trong việc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Trách nhiệm của NSDLĐ trong việc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi tiêu cực, làm ảnh hưởng xấu tới môi trường làm việc, gây ra sự lo lắng, căng thẳng, ảnh hưởng về tâm lý cho nạn nhân, dẫn đến môi trường làm việc không an toàn, hiệu suất làm việc và năng suất lao động bị giảm sút. Vậy, bạn có biết phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc là trách nhiệm của người sử dụng lao động?

1. Những hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì các hành vi thuộc hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm:

- Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;

- Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;

- Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

Trong đó, nơi làm việc là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.

2. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Theo quy định tại Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì người sử dụng lao động cần ban hành các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục trong nội quy lao động hoặc bằng phụ lục ban hành kèm theo nội quy lao động, bao gồm các nội dung cơ bản sau:

- Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;

- Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan;

- Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;

- Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.

3. Trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc của người sử dụng lao động

Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm như sau:

- Thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho người lao động;

- Khi xuất hiện khiếu nại, tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn, xử lý và có biện pháp bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.

Trên đây, là quy định pháp luật về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Như Ý
4657

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn