28/08/2024 08:37

TPHCM đã công bố dịch sởi trên địa bàn? Cách phòng ngừa dịch bệnh sởi như thế nào?

TPHCM đã công bố dịch sởi trên địa bàn? Cách phòng ngừa dịch bệnh sởi như thế nào?

UBND TP HCM đã chính thức có văn bản quyết định công bố dịch sởi trên địa bàn TP HCM có đúng không? Cách phòng ngừa dịch bệnh sởi như thế nào?

1. TPHCM đã công bố dịch sởi trên địa bàn? 

Ngày 27/8/2024, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định 3547/QĐ-UBND công bố dịch sởi trên địa bàn, thời gian xảy ra dịch là tháng 8/2024 trên quy mô toàn thành phố, nguyên nhân do virus sởi gây ra.

Theo đó, quyết định Công bố dịch bệnh truyền nhiễm tại Thành phố Hồ Chí Minh cụ thể như sau:

- Tên dịch bệnh: Sởi

- Thời gian xảy ra dịch: tháng 08 năm 2024.

- Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: toàn Thành phố.

- Nguyên nhân: do vi rút Sởi (Polynosa morbillorum) gây ra.

- Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch: Bệnh truyền nhiễm nhóm B; người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ; bệnh có thể dẫn đến biến chứng nặng thậm chí có thể tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.

- Đường lây: lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.

- Các biện pháp phòng, chống dịch: thực hiện theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, gồm:

+ Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố, quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn.

+ Các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải thực hiện khai báo đầy đủ, chính xác với cơ quan y tế trong 24 giờ sau khi có chẩn đoán để được quản lý và xét nghiệm theo quy định.

+ Thực hiện Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella không kể tiền sử tiêm chủng vắc xin Sởi - Rubella trước đó cho tất cả trẻ em từ 01 - 05 tuổi đang sống tại Thành phố; có thể mở rộng độ tuổi theo tình hình dịch bệnh theo đúng quy định.

+ Tổ chức thu dung, điều trị, chăm sóc, cách ly y tế và kiểm soát dịch tại cộng đồng theo đúng các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Như vậy, UBND TP HCM đã chính thức có văn bản quyết định công bố dịch sởi trên địa bàn TP HCM, thời gian xảy ra dịch là tháng 8/2024.

Xem chi tiết tại Quyết định 3547/QĐ-UBND 2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/quyet-dinh-3547.doc 

2. Cách phòng ngừa dịch bệnh sởi như thế nào?

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân, có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đầy đủ.

Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy.... có thể gây tử vong.

Theo quy định tại Mục V hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi ban hành kèm theo Quyết định 1327/QĐ-BYT 2014 như sau:

(1) Phòng bệnh chủ động bằng vắc xin

Thực hiện tiêm chủng 2 mũi vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia (mũi đầu tiên bắt buộc tiêm lúc 9 tháng tuổi)

Tiêm vắc xin phòng sởi cho các đối tượng khác theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

(2) Cách ly người bệnh và vệ sinh cá nhân

Người bệnh sởi phải được cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

+ Sử dụng khẩu trang phẫu thuật cho người bệnh, người chăm sóc, tiếp xúc gần và nhân viên y tế.

+ Hạn chế việc tiếp xúc gần không cần thiết của nhân viên y tế và người thăm người bệnh đối với người bệnh.

+ Thời gian cách ly từ lúc nghi mắc sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi bắt đầu phát ban.

Tăng cường vệ sinh cá nhân, sát trùng mũi họng, giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng.

(3) Phòng lây nhiễm trong bệnh viện

Phát hiện sớm và thực hiện cách ly đối với các đối tượng nghi sởi hoặc mắc sởi.

Sử dụng Immune Globulin (IG) tiêm bắp sớm trong vòng 3 - 6 ngày kể từ khi phơi nhiễm với sởi cho các bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện vì những lý do khác. Không dùng cho trẻ đã được điều trị IVIG trong vòng 1 tháng hoặc đã tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin sởi. Dạng bào chế: Immune Globulin (IG) 16%, ống 2ml. Liều dùng 0,25 ml/kg, tiêm bắp, 1 vị trí tiêm không quá 3ml. Với trẻ suy giảm miễn dịch có thể tăng liều gấp đôi.

(4) Báo cáo dịch: theo quy định hiện hành.

Nguyễn Ngọc Trầm
584

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn