01/08/2019 09:02

Tổng kết thi hành Luật HN&GĐ 2014: Khó khăn xác định tài sản chung vợ chồng

Tổng kết thi hành Luật HN&GĐ 2014: Khó khăn xác định tài sản chung vợ chồng

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình 2014 của Bộ Tư pháp cho biết, các vụ việc về hôn nhân và gia đình ngày càng tăng về số lượng cũng như mức độ phức tạp, gay gắt.

Việc xác định tỷ lệ đóng góp thường dựa trên định tính

Trong đó, các vụ việc ly hôn có xu hướng diễn ra ở các cặp vợ chồng trẻ, độ tuổi từ 28-35, thời gian kết hôn ngắn. Tính chất gay gắt, phức tạp chủ yếu liên quan đến các tranh chấp về tài sản chung, riêng như bất động sản, cổ phần, cổ phiếu trong các Cty…

Theo ông Nguyễn Văn Vụ (TAND tối cao), khi giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng, tòa án gặp khó khăn khi không đủ cơ sở pháp lý để khẳng định rõ khối tài sản chung của vợ chồng là bao nhiêu, bao gồm những tài sản gì khi giải quyết ly hôn, do tài sản chung là vàng, tiền cho trong ngày cưới thường gửi cho cha mẹ chồng quản lý (giữ), nhưng không có cơ sở chứng minh. Ngoài ra, các bên không cung cấp đủ chứng cứ để phân định được công sức đóng góp của các bên đối với khối tài sản chung nên việc xác định tỷ lệ đóng góp thường dựa trên cơ sở định tính.

Cũng theo đại diện TAND tối cao, Điều 59 Luật HN&GĐ 2014 quy định khi ly hôn tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản chung, lỗi của mỗi bên trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng…

Tuy nhiên, Luật lại chưa có quy định cụ thể về hoàn cảnh của mỗi bên, tỷ lệ chia tài sản theo công sức đóng góp. Căn cứ để xác định vợ hay chồng được chia tài sản nhiều hơn được quy định khá cụ thể, còn việc xác định lỗi của vợ hoặc chồng là khá trừu tượng. Ví dụ, hai bên đều trình bày bên kia có lỗi với bản khai rất nhiều lỗi khác nhau, như: phía bên kia ngoại tình, đánh chửi, cãi nhau, không quan tâm, mâu thuẫn về quan điểm sống, về kinh tế... Trong thực tế, phần lớn chỉ có lời khai, rất ít vụ án có chứng cứ vật chất để chứng minh. Do vậy, quy định này khó áp dụng trong thực tế.

Đồng tình, TS. Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho hay, việc không có hướng dẫn cụ thể thế nào là vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng khi xác định lỗi của mỗi bên sẽ dẫn đến áp dụng tùy tiện, khó áp dụng thống nhất. Thêm vào đó, “bạo lực gia đình” hoặc "vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng" là căn cứ để giải quyết cho ly hôn. Nhưng khi ly hôn, việc chia tài sản chung của vợ chồng lại chỉ tính đến yếu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng mà không tính đến lỗi của mỗi bên trong bạo lực gia đình là không phù hợp.

Cụ thể hóa quy định chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn

Trên cơ sở vướng mắc từ thực tiễn, đại diện Hội LHPN Việt Nam đề xuất, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, trong đó, quy định: “bạo lực gia đình” như thế nào thì được coi là “có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình”, hành vi nào được coi là “vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”; quy định về nguyên tắc cách tính yếu tố lỗi khi chia tài sản chung; quy định nạn nhân bạo lực gia đình được ưu tiên giao trực tiếp trông nom, chăm sóc con; Bổ sung quy định tỷ lệ chia tài sản khi ly hôn do lỗi của bên vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Các ý kiến cũng đề xuất bổ sung nguyên tắc khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn phải bảo đảm quyền lợi của con đã thành niên có khả năng lao động nhưng tại thời điểm cha mẹ ly hôn chưa có điều kiện lao động để tự nuôi mình mà vẫn còn sống lệ thuộc vào cha mẹ.

Trên cơ sở đề xuất của đề xuất, góp ý, Bộ Tư pháp cho biết, thời gian tới các Bộ, ngành, địa phương sẽ tăng cường phối hợp hơn nữa để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các quy định của Luật, giúp những quy định của Luật phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Trong đó, vai trò của TAND có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vai trò này được thể hiện không chỉ trong giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình; thực hiện, bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp về hôn nhân và gia đình của người dân mà còn là cơ quan khắc phục sự khuyết thiếu của pháp luật, sự thiếu đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật một cách linh hoạt, kịp thời; nhất là trong giải quyết các vụ việc cụ thể không có quy định pháp luật, pháp luật quy định không rõ ràng hoặc cần áp dụng tập quán.

Nguồn: Pháp luật & Xã hội

4132

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]