05/10/2020 14:39

Tổng hợp 05 bản án về vượt quá phạm vi ủy quyền

Tổng hợp 05 bản án về vượt quá phạm vi ủy quyền

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Người được ủy quyền chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo nội dung ủy quyền.

Giao dịch dân sự do người được ủy quyền xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người ủy quyền đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một số các trường hợp được pháp luật quy định.

Dưới đây là tổng hợp một số bản án mà người được ủy quyền vượt quá phạm vi ủy quyền. Cụ thể:

1. Bản án 726/2019/DS-PT ngày 15/08/2019 về tranh chấp hợp đồng ủy quyền

- Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

- Cấp xét xử: Phúc thẩm.

- Tóm tắt nội dung: Người đại diện theo ủy quyền của cụ Đ T Đ là ông N Đ T thay đổi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn từ việc xin hủy bỏ hợp đồng ủy quyền sang việc yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng ủy quyền được xác lập giữa cụ Đ T Đ với Bà N N A bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật. Việc người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn tự ý thay đổi yêu cầu khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm khi không được đồng ý của cụ Đ T Đ là thực thi nhiệm vụ không đúng và vượt quá phạm vi ủy quyền.

2. Bản án 346/2019/DS-PT ngày 23/04/2019 về tranh chấp đòi tài sản

- Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

- Cấp xét xử: Phúc thẩm.

- Tóm tắt nội dung: TAND quận Tân Phú thụ lý vụ án về việc “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán nhà” giữa nguyên đơn bà Phan Thị Kim L1 và bị đơn bà Lê Thị L. Bà Phan Thị Kim L1  ủy quyền cho ông Cao Thanh T thay mặt bà tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn khởi kiện tranh chấp yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt cọc với bị đơn là bà Lê Thị L. Tuy nhiên, sau khi Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý yêu cầu phản tố của bà L, ông Tuyên không thông báo cho bà L1 biết mà tự ý chấp nhận yêu cầu phản tố, rút yêu cầu khởi kiện, Tòa án cấp sơ thẩm xác định lại tư cách, địa vị tố tụng và quan hệ tranh chấp là “Đòi lại tài sản”, đồng thời xác định ông T là người đại diện ủy quyền của bị đơn - bà Phan Thị Kim L1 là vượt quá phạm vi ủy quyền.

3. Bản án 703/2019/KDTM-PT ngày 09/08/2019 về tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp

- Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

- Cấp xét xử: Phúc thẩm.

Tóm tắt nội dung: Ông Võ Thanh S chỉ được ủy quyền thế chấp tài sản chứ không được ủy quyền việc đem tài sản bảo lãnh cho bên thứ ba vay, việc ông S không có quyền thế chấp tài sản của ông H, bà M đảm bảo nghĩa vụ cho người thứ ba vay (Công ty VL) là đã vượt quá phạm vi ủy quyền, vi phạm Khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự 2005 quy định về nghĩa vụ của bên được ủy quyền.

4. Bản án 150/2017/DS-PT ngày 22/09/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

- Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

- Cấp xét xử: Phúc thẩm.

- Tóm tắt nội dung: Bà Nguyễn Thị N2, NLQ1, NLQ2, NLQ3 và NLQ4 có ký hợp đồng ủy quyền công chứng ngày 13/10/2015; mục đích ủy quyền là để ông Huỳnh Thanh H thay mặt bà N2, NLQ1, NLQ2, NLQ3 và NLQ4 thế chấp quyền sử dụng đất của hộ bà N2 để đảm bảo nghĩa vụ cho ông H hoặc bên thứ ba. Nhưng ngày 13/10/2015, ông H lại đại diện cho các thành viên trong hộ bà N2 ký Hợp đồng vay tiền với bà N1. Bà N2 và NLQ1 không ủy quyền cho ông H vay tiền của bà N1. Việc đại diện của ông H trong trường hợp này là vượt quá phạm vi ủy quyền theo hợp đồng ủy quyền.

5.Bản án 150/2017/DS-PT ngày 22/09/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

- Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

- Cấp xét xử: Phúc thẩm.

- Tóm tắt nội dung: Việc người đại diện hợp pháp của bị đơn ông Hoàng Minh T làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, nhưng nội dung giấy ủy quyền ngày 14/5/2018 của bà Th chỉ ủy quyền cho ông Tha được quyền thay mặt để giải quyết vụ án trên, không được quyền nộp đơn kháng cáo, quyền thỏa thuận với nguyên đơn. Như vậy, việc ông Tha làm đơn kháng cáo là vượt quá phạm vi ủy quyền của bị đơn.

Thu Linh
7115

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]