31/08/2024 17:03

Tổng hợp mẫu đơn xin nghỉ phép cho người lao động mới nhất 2024 và cách viết

Tổng hợp mẫu đơn xin nghỉ phép cho người lao động mới nhất 2024 và cách viết

Mẫu đơn xin nghỉ phép cho người lao động mới nhất là mẫu nào? Người lao động được nghỉ phép bao nhiêu ngày làm việc trong năm theo quy định?

1. Tổng hợp mẫu đơn xin nghỉ phép cho người lao động mới nhất 2024

Đơn xin nghỉ phép cho người lao động là đơn mà người lao động soạn thảo sẵn để nộp cho người sử dụng lao động khi họ có nhu cầu nghỉ làm việc trong một quãng thời gian vì lý do sức khỏe hoặc để giải quyết công việc cá nhân. Người sử dụng lao động sẽ dùng đơn này để làm căn cứ tính lương, tính công và sắp xếp công việc, nhân sự thay thế phù hợp khi người lao động xin nghỉ phép.

Theo quy định pháp luật hiện hành thì vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể về mẫu đơn xin nghỉ phép cho người lao động. Cho nên trong trường hợp bạn đọc chưa có sẵn mẫu đơn xin nghỉ phép nào thì có thể tham khảo thêm mẫu đơn xin nghỉ phép cho người lao động được Ban biên tập tổng hợp lại như sau:

- Đơn xin nghỉ phép cho người lao động (Đơn xin nghỉ phép mẫu số 01): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/don-xin-nghi-phep-mau-so-01.doc 

- Đơn xin nghỉ phép công ty (Đơn xin nghỉ phép mẫu số 02): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/don-xin-nghi-phep-mau-so-02.doc 

- Đơn xin nghỉ phép cho người lao động là cán bộ, công chức (Đơn xin nghỉ phép mẫu số 03): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/don-xin-nghi-phep-mau-so-03.doc 

- Đơn xin nghỉ phép không lương (Đơn xin nghỉ phép mẫu số 04): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/don-xin-nghi-phep-mau-so-04.docx 

- Đơn xin nghỉ phép cho người lao động là giáo viên (Đơn xin nghỉ phép mẫu số 05): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/Don-xin-nghi-phep-mau-so-05.docx 

2. Hướng dẫn cách viết đơn xin nghỉ phép cho người lao động

Ban biên tập xin hướng dẫn cách viết đơn xin nghỉ phép cho người lao động như sau:

- Phần kính gửi: Người viết ghi rõ tên nơi làm việc và đơn vị tiếp nhận đơn xin nghỉ phép.

- Phần thông tin cá nhân: Người viết ghi rõ thông tin cá nhân gồm họ và tên, số điện thoại liên hệ, vị trí làm việc hiện tại.

- Phần thời gian nghỉ: Người viết ghi rõ cụ thể số ngày xin nghỉ phép.

- Phần lý do xin nghỉ phép: Người viết ghi rõ lý do chính đáng để xin nghỉ phép, ví dụ như: bị ốm, ăn đám cưới anh/chị ruột, thăm khám người thân trong bệnh viện,...

- Cuối cùng, người viết ghi rõ thời gian làm đơn và họ tên, chữ ký. Sau đó nộp đơn này cho đơn vị tiếp nhận đơn xin nghỉ phép để xin duyệt đơn.

3. Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ phép trong năm được hưởng nguyên lương?

Căn cứ Điều 113 Bộ luật lao động 2019 quy định thời gian nghỉ phép hằng năm như sau:

- Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

+ 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

+ 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

+ 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

- Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

- Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

- Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định.

- Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.

Như vậy, theo quy định hiện hành thì người lao động làm công việc bình thường sẽ có 12 ngày nghỉ phép trong năm được hưởng nguyên lương nếu đã làm việc đủ 12 tháng.

Nếu người lao động đã làm việc đủ 12 tháng và là người chưa thành niên, người khuyết tật hoặc là người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì sẽ có 12 ngày nghỉ phép trong năm được hưởng nguyên lương. Còn nếu làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì người lao động sẽ có 16 ngày nghỉ phép trong năm được hưởng nguyên lương.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
379

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn