Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:
Tải về trọn bộ các văn bản quy định liên quan về ly hôn hiện hành: https://cdn.thuvienphapluat.vn//uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/LY_HON.zip
Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về giải thích từ ngữ “ly hôn” như sau:
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Do đó, quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Đồng thời, tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan.
Ai sẽ có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn?
Tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
(1) Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
(2) Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Lưu ý: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu ly hôn. Cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu ly hôn khi một bên vợ/chồng bị bệnh tâm thần, bạo lực gia đình. Tuy nhiên, chồng không được yêu cầu ly hôn khi vợ mang thai, sinh con dưới 12 tháng tuổi.
>> Xem thêm: Có được ngăn cản vợ, chồng cũ thăm con sau ly hôn?
Mẫu đơn ly hôn viết tay (tham khảo): https://cdn.thuvienphapluat.vn//uploads/DanLuat-BanAn/2024/mau-don-ly-hon-viet-tay.doc
Mẫu đơn ly hôn đơn phương (tham khảo): https://cdn.thuvienphapluat.vn//uploads/DanLuat-BanAn/2024/mau-don-ly-hon-don-phuong.doc
Mẫu đơn ly hôn thuận tình (tham khảo): https://cdn.thuvienphapluat.vn//uploads/DanLuat-BanAn/2024/mau-don-ly-hon-thuan-tinh.doc
Lưu ý: Hiện nay, đơn ly hôn phải tuân thủ mẫu do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành tại Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP.
Tải về trọn bộ các văn bản quy định liên quan về ly hôn hiện hành: https://cdn.thuvienphapluat.vn//uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/LY_HON.zip
Dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết cách viết đơn ly hôn đúng chuẩn, giúp quá trình ly hôn được thuận lợi và nhanh chóng.
Phần đầu:
- Họ tên, địa chỉ của người khởi kiện: Ghi đầy đủ thông tin cá nhân của mình, bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú, số điện thoại, email (nếu có).
- Họ tên, địa chỉ của người bị khởi kiện: Ghi đầy đủ thông tin cá nhân của người vợ hoặc chồng, bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú, số điện thoại, email (nếu có).
Phần nội dung:
- Nội dung vụ việc:
+ Trình bày một cách rõ ràng, súc tích lý do, nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn.
+ Nêu rõ thời gian chung sống vợ chồng, địa điểm chung sống. Lý do dẫn đến ly hôn? (Do ngoại tình/cờ bạc/bạo hành gia đình hay do bất đồng quan điểm…), mâu thuẫn phát sinh do đâu, 02 vợ chồng đã ly thân hay chưa, thời gian sống ly thân là từ bao giờ đến bao giờ…
+ Nếu có con chung, cần ghi rõ thông tin về con chung (họ tên, ngày tháng năm sinh, hiện đang học tập hoặc sinh sống ở đâu). Nếu chưa có con chung ghi: Chưa có.
Vợ chồng đã thỏa thuận được việc nuôi con thì ghi nội dung: Thỏa thuận.
Không thỏa thuận được việc nuôi con thì ghi: Hai bên không thỏa thuận được quyền nuôi con, đề nghị Tòa án căn cứ theo các quy định pháp lý hiện hành và phân chia quyền nuôi con và cấp dưỡng theo đúng quy định của pháp luật.
+ Về tài sản: Nếu có tài sản chung và yêu cầu Tòa án phân chia thì liệt kê toàn bộ thông tin về tài sản, trị giá thực tế, đề nghị phân chia.
Không có tài sản chung ghi: Không có.
Không yêu cầu Tòa án phân chia thì ghi: Tự thỏa thuận.
Phần nợ chung: Nếu có nợ chung ghi cụ thể số nợ, chủ nợ là ai, thời gian trả nợ… và đề nghị phân nghĩa vụ trả nợ trong đơn.
Không có nợ chung ghi: Không có…
Nếu có nợ chung nhưng không cần phân chia thì ghi: Tự thỏa thuận.
- Nguyện vọng của người khởi kiện:
+ Nêu rõ nguyện vọng về việc ly hôn (ly hôn đơn phương hay ly hôn thuận tình).
+ Nếu ly hôn thuận tình, cần ghi rõ thỏa thuận về việc phân chia tài sản chung, nuôi dưỡng con chung (nếu có).
+ Nếu ly hôn đơn phương, cần trình bày thêm các căn cứ theo quy định của pháp luật.
Phần kết luận:
- Ký tên của người khởi kiện: Ký và ghi họ và tên đầy đủ vào đơn.
- Ngày tháng năm lập đơn: Ghi rõ ngày tháng năm lập đơn.
Trân trọng!