08/07/2020 16:24

Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án theo Điều 56 Bộ luật Hình sự

Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án theo Điều 56 Bộ luật Hình sự

Trong thực tế thì có thể một người thực hiện hai hành vi phạm tội. Hành vi phạm tội lần đầu có thể bị xét xử sau hành vi phạm tội thứ hai hoặc ngược lại.

Theo nguyên tắc, tất cả hành vi phạm tội phải được đưa ra xét xử kịp thời, đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy một người đang chấp hành một bản án vẫn có thể bị phát hiện hành vi phạm tội mà họ thực hiện trước đó hoặc có thể họ sẽ thực hiện một hành vi phạm tội mới. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà người thực hiện hành vi phạm tội bị áp dụng hình phạt khác nhau (không cùng loại). Trong phạm vi bài viết, tác giả trình bày, phân tích quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án theo Điều 56 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 và một số vướng mắc trong thực tiễn.

So với quy định tại Điều 51 BLHS năm 1999 thì Điều 56 BLHS năm 2015 quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án không có gì thay đổi. Theo đó, việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án được quy định trong 03 trường hợp sau:

Trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này (khoản 1 Điều 56 BLHS năm 2015)

Trong thực tế thì có thể một người thực hiện hai hành vi phạm tội. Hành vi phạm tội lần đầu có thể bị xét xử sau hành vi phạm tội thứ hai hoặc ngược lại. Vì vậy, quy định tại khoản 1 Điều 56 BLHS năm 2015 có thể hiểu là khi một người bị xét xử về một hành vi phạm tội bằng một bản án có hiệu lực pháp luật mà sau đó người này lại bị xét xử về một tội khác và hành vi phạm tội lần sau được thực hiện trước khi có bản án đã có hiệu lực pháp luật thì tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang xét xử. Sau đó, tổng hợp với hình phạt của bản án trước đã có hiệu lực pháp luật. Thời gian chấp hành hình phạt của bản án trước sẽ được trừ vào hình phạt chung sau khi đã tổng hợp hình phạt. Thẩm quyền tổng hợp hình phạt là của hội đồng xét xử đang xét xử vụ án.

Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay vẫn còn cách hiểu khác nhau về thời điểm được coi là “đang phải chấp hành một bản án”. Cách hiểu thứ nhất là thời điểm người đó thực tế đã và đang chấp hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật. Cách hiểu thứ hai là chỉ cần khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Ví dụ: Ngày 03/01/2019, Nguyễn Văn B bị tòa án huyện X tuyên phạt 02 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Ngày 04/02/2019 là ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Theo cách hiểu thứ nhất là khi chánh án tòa án huyện X ra quyết định thi hành án phạt tù đối với B (tức là trong thời hạn 07 ngày sau đó, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật) thì mới coi B là đang chấp hành một bản án. Theo cách hiểu thứ hai, kể từ ngày 04/02/2019 thì bản án đã có hiệu lực pháp luật nên B phải chấp hành bản án. Vì vậy, đã coi B là đang chấp hành một bản án, còn việc chánh án tòa án huyện X ra quyết định thi hành án phạt tù đối với B chỉ là thủ tục để bắt B đi chấp hành án phạt tù theo quy định của pháp luật.

Trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới (khoản 2 Điều 56 BLHS năm 2015)

Khác với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 56 BLHS năm 2015, việc tổng hợp hình phạt theo khoản 2 Điều 56 BLHS năm 2015 là khi một người đã bị kết án về một hành vi phạm tội và đang chấp hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật mà sau đó người này tiếp tục có hành vi phạm tội khác.

Ví dụ 1: Ngày 03/01/2019, Nguyễn Văn B bị tòa án huyện X tuyên phạt 02 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Ngày 04/02/2019 là ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Ngày 05/02/2019, chánh án tòa án huyện X chưa ra quyết định thi hành án thì B bị đưa ra xét xử về hành vi cố ý gây thương tích cho người khác tại nhà tạm giữ công an huyện X. Trường hợp này khi xét xử hành vi phạm tội cố ý gây thương tích của B thì tòa án huyện X tổng hợp hình phạt theo khoản 2 Điều 56 BLHS năm 2015.

Ví dụ 2: Trần H đang chấp hành án tại Trại giam B thuộc Bộ Công an. Trong thời gian chấp hành án H có hành vi cố ý gây thương tích cho phạm nhân khác cũng đang chấp hành án tại Trại giam B. Trường hợp này khi xét xử hành vi phạm tội cố ý gây thương tích của H thì tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo khoản 2 Điều 56 BLHS năm 2015.

Trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp (khoản 3 Điều 56 BLHS năm 2015)

Việc tổng hợp hình phạt theo khoản 1 và khoản 2 Điều 56 BLHS năm 2015 có một điều kiện bắt buộc chung là người bị tòa án xét xử phải là người đang chấp hành một bản án, tức là đã có một bản án có hiệu lực pháp luật kết tội người đó về một tội nào đó. Cho nên quy định tại khoản 3 Điều 56 BLHS năm 2015 là để tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật nếu như khi xét xử tòa án không thể tổng hợp hình phạt theo khoản 1 và khoản 2 Điều 56 BLHS năm 2015. Thẩm quyền tổng hợp hình phạt là của chánh án tòa án mà không phải là hội đồng xét xử.

Ví dụ: Ngày 03/01/2019, tòa án nhân dân huyện X tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn B 01 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Ngày 15/01/2019, tòa án nhân dân huyện Y lại xét xử Nguyễn Văn B về tội cố ý gây thương tích. Trong trường hợp này, tòa án dân dân huyện Y không thể áp dụng khoản 1 Điều 56 BLHS năm 2015 để tổng hợp hình phạt, vì bản án kết tội Nguyễn Văn B của tòa án nhân dân huyện X chưa có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này, chánh án tòa án nhân dân huyện Y sẽ tổng hợp hình phạt khi hai bản án của tòa án nhân dân huyện X và tòa án nhân dân huyện Y có hiệu lực pháp luật.

Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án có hiệu lực pháp luật theo quy định tại khoản 3 Điều 56 của BLHS năm 2015. Tuy nhiên, việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án có hiệu lực pháp luật hiện nay có thể tham khảo hướng dẫn tại mục 5 của Thông tư liên tịch số 02/TT-LN ngày 20/12/1991 của Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Nội dung cụ thể như sau:

– Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều của cùng một tòa án thì chánh án tòa án đó ra quyết định tổng hợp hình phạt.

– Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các tòa án khác nhau nhưng cùng cấp (cùng cấp huyện trong một tỉnh hoặc khác tỉnh, cùng cấp tỉnh, cùng cấp khu vực, cùng cấp quân khu), thì chánh án tòa án ra bản án sau cùng (về mặt thời gian) ra quyết định tổng hợp hình phạt, cụ thể là: nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các tòa án cấp huyện khác nhau (trong cùng một tỉnh hay khác tỉnh), thì chánh án tòa án cấp huyện đã ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các tòa án quân sự khu vực khác nhau (trong cùng một quân khu hay khác quân khu), thì chánh án tòa án quân sự khu vực đã ra bản án sau cùng quyết định tổng hợp hình phạt; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều là của các tòa án cấp tỉnh (hoặc đều là của tòa án quân sự cấp quân khu), thì chánh án tòa án cấp tỉnh (hoặc chánh án tòa án quân sự cấp quân khu) ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt.

– Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các tòa án không cùng cấp thì chánh án tòa án cấp cao hơn ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của tòa án cấp cao hơn có trước hay có sau.

– Trong trường hợp trong số các bản án đã có hiệu lực pháp luật có bản án của tòa án nhân dân, có bản án của tòa án quân sự, thì việc tổng hợp hình phạt cũng được thực hiện tương tự như hướng dẫn trên đây.

– Trong trường hợp trong số các bản án đã có hiệu lực pháp luật có bản án là của tòa án nước ngoài đã được tòa án Việt Nam công nhận, có bản án là của tòa án Việt Nam, thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định tổng hợp hình phạt.

Một số vướng mắc về tổng hợp hình phạt trong thực tiễn

Qua nghiên cứu quy định tại Điều 56 BLHS năm 2015 và thực tiễn công tác xét xử tại tòa án, tác giả thấy việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án có một số vướng mắc hoặc quy định cần được hướng dẫn như sau:

Thời điểm xác định một người đang chấp hành một bản án

Như đã trình bày, thời điểm để xác định một người đang chấp hành một bản án được quy định tại khoản 1, 2 Điều 56 BLHS năm 2015 hiện nay còn có quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng một người đang chấp hành một bản án là khi người đó thực tế đã bắt đầu chấp hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật tại một trại giam hoặc đã có quyết định thi hành án của tòa án đang giam giữ tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ. Nhưng có quan điểm cho rằng một người đang chấp hành một bản án là khi bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật, vì khi bản án có hiệu lực pháp luật đương nhiên người bị kết án phải chấp hành bản án. Việc xác định thời điểm một người đang chấp hành một bản án có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì tòa án chỉ được tổng hợp hình phạt theo khoản 1, 2 Điều 56 BLHS năm 2015 khi thỏa mãn điều kiện chung là người bị xét xử phải là người đang chấp hành một bản án.

Cách tính thời gian đã chấp hành bản án trong trường người bị xét xử là phạm nhân bị trích xuất để tạm giam

Tại khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 có quy định như sau: “Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau; nếu tháng đó không có ngày trùng thì thời hạn hết vào ngày cuối cùng của tháng đó; nếu thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn. Khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam thì thời hạn hết vào ngày kết thúc thời hạn được ghi trong lệnh, quyết định. Nếu thời hạn được tính bằng tháng thì 01 tháng được tính là 30 ngày”. Như vậy, khác với các loại thời hạn khác trong tố tụng hình sự, thời hạn tạm giam thì phải tính một tháng là 30 mươi ngày.

Khi tổng hợp hình phạt theo khoản 2 Điều 56 BLHS năm 2015 thì tòa án phải tính thời gian bị cáo đã chấp hành bản án trước được bao lâu, khi đó mới biết thời gian bị cáo chưa chấp hành của bản án trước. Thông thường, trong trường hợp phạm nhân phạm tội thì thường sẽ bị trích xuất ra ngoài để tạm giam phục vụ điều tra, truy tố, xét xử. Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 04/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 30/5/2013 của Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện trích xuất phạm nhân để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử thì trường hợp phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; người bị kết án tù mà bản án đã có hiệu lực pháp luật, đã có quyết định thi hành án của tòa án đang giam giữ tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ (sau đây gọi chung là phạm nhân) bị trích xuất đến cơ sở giam, giữ khác để phục vụ việc điều tra, truy tố, xét xử thì thời hạn trích xuất, thời hạn gia hạn trích xuất được tính vào thời hạn chấp hành án phạt tù, trừ trường hợp phạm nhân đó bỏ trốn khỏi nơi giam trong thời gian được trích xuất.

Vướng mắc trong thực tiễn hiện nay là việc thời giam bị cáo đã chấp bản án trước được tính như thế nào thì có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất là phải tính thời gian liên tục từ khi bị cáo chấp hành bản án trước đến ngày tòa án xét xử.

Quan điểm thứ hai là phải tính thành hai khoảng thời gian: một là từ lúc bị cáo bắt đầu chấp hành bản án trước đến ngày bị cáo bị trích xuất; hai là từ thời điểm bị cáo bị trích xuất để tạm giam đến ngày tòa án xét xử (thời gian này là thời gian tạm giam nên phải tính một tháng là 30 ngày). Tuy nhiên, qua nghiên cứu và thử tính thì thời gian theo hai cách tính là khác nhau.

Ví dụ: Theo bản án của tòa án huyện X, bị cáo A phải chấp hành hình phạt tù là 03 năm. Thời gian chấp hành hình phạt từ tính từ ngày 01/02/2018. Ngày 01/02/2019, bị cáo A bị trích xuất để phục vụ điều tra. Ngày 02/02/2019, A bị ra lệnh tạm giam là 60 ngày. Ngày 14/3/2019, bị cáo A bị tòa án huyện Y xử phạt 01 năm tù. Theo quan điểm thứ nhất, thời gian bị cáo đã chấp hành bản án trước là từ ngày 01/02/2018 đến ngày 14/3/2019 (tức là được 01 năm 01 tháng 13 ngày). Theo quan điểm thứ hai, thời gian bị cáo A đã chấp hành bản án trước được tính như sau: từ ngày 01/02/2018 đến hết ngày 01/02/2019 là 01 năm; từ ngày 02/02/2019 đến ngày 14/3/2019 là 41 ngày (tức 01 tháng 11 ngày), cho nên thời gian bị cáo A đã chấp hành của bản án trước là 01 năm 01 tháng 11 ngày.

Tòa án nhân dân cấp huyện có được tổng hợp hình phạt nếu hình phạt chung là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình

Vấn đề tòa án nhân dân cấp huyện có được tổng hợp hình phạt nếu hình phạt chung là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình hay không hiện còn quan điểm khác nhau trong thực tiễn. Mặc dù thẩm quyền xét xử và thẩm quyền tổng hợp hình phạt là hai vấn đề khác nhau nhưng có một điều cần lưu ý là việc thi hành hình phạt cuối cùng là phải theo bản án đã tổng hợp hình phạt. Chính vì vậy mà trước đây, tại Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn như sau: “Trường hợp bị cáo bị truy tố về một hoặc một số tội thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân cấp huyện mà khi thụ lý vụ án xét thấy bị cáo đã bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình tại một bản án khác và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật thì tòa án nhân dân cấp huyện phải báo cáo với tòa án nhân dân cấp tỉnh để tòa án nhân dân cấp tỉnh thống nhất với viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh rút hồ sơ vụ án lên để truy tố, xét xử ở cấp tỉnh”. Như vậy, theo quan điểm của tác giả, nếu tòa án nhân dân cấp huyện mà khi thụ lý vụ án xét thấy bị cáo đã bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình tại một bản án khác và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật hoặc nếu thấy việc tổng hợp hình phạt là trên 15 năm tù thì tòa án nhân dân cấp huyện phải báo cáo với tòa án nhân dân cấp tỉnh để tòa án nhân dân cấp tỉnh thống nhất với viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh rút hồ sơ vụ án lên để truy tố, xét xử ở cấp tỉnh. Tuy nhiên, để thực tiễn áp dụng pháp luật cho thống nhất thì vấn đề này rất cần được hướng dẫn cụ thể hơn.

Chánh án tòa án nào có quyền tổng hợp hình phạt theo khoản 3 Điều 56 BLHS năm 2015?

Quy định chánh án tòa án tổng hợp hình phạt của nhiều bản án có hiệu lực pháp luật theo khoản 3 Điều 56 BLHS năm 2015 hiện nay chưa được hướng dẫn. Theo tác giả, việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật hiện nay có thể vận dụng theo tinh thần quy định tại mục 5 của Thông tư liên tịch số 02/TT-LN ngày 20/12/1991 của Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao mà tác giả đã trình bày. Tuy nhiên, để việc áp dụng pháp luật cho thống nhất thì quy định tại khoản 3 Điều 56 BLHS năm 2015 cần được hướng dẫn lại cho cụ thể vì hiện nay có quan điểm cho rằng, Thông tư liên tịch 02/TT-LN nói trên đã hết hiệu lực pháp luật.

Nguồn: LSO

43779

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn