19/10/2021 14:20

Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án- Bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án- Bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án quy định tại Điều 56 BLHS việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án mới chỉ được quy định đối với trường hợp “một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án” này mà chưa quy định việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với trường hợp “một người chưa chấp hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này”… Bài viết nêu quy định của pháp luật và kiến nghị hoàn thiện

1. Quy định của pháp luật

Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án là tổng hợp các hình phạt được tuyên trong các bản án khác nhau thành một loại với mức cao hơn hoặc cao nhất của một hình phạt đã tuyên. Theo quy định tại Điều 56 BLHS, thì có hai trường hợp tổng hợp hình phạt của nhiều bản án.

- Trường hợp thứ nhất, là khi đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này. Việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp này được thực hiện khi Tòa án xét xử tội đã phạm trước khi có bản án mà người phạm tội đang phải chấp hành. Theo đó, Tòa án (Hội đồng xét xử) quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của BLHS[1]. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung. Như vậy, việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp này được tiến hành theo hai bước sau đây:

+ Bước một, là quyết định hình phạt đối với tội đã phạm trước khi có bản án mà người phạm tội đang phải chấp hành và quy đổi ra mức hình phạt tù (nếu hình phạt đang chấp hành là hình phạt tù có thời hạn và hình phạt đối với tội đã phạm trước khi có bản án này là cải tạo không giam giữ);

+ Bước hai, là tổng hợp (cộng mức hình phạt của hai bản án hoặc ấn định loại hình phạt chung mà người phạm tội phải chấp hành). Việc trừ thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước vào thời hạn chấp hành hình phạt chung chỉ được thực hiện khi hình phạt chung là cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn. Theo đó:

Nếu hình phạt được tuyên trong bản án mà người phạm tội đang phải chấp hành và hình phạt áp dụng đối với tội đã phạm trước khi có bản án này đều là hình phạt cải tạo không giam giữ, thì hình phạt chung là tổng số thời hạn cải tạo không giam giữ trừ đi thời hạn đã chấp hành của bản án trước nhưng không vượt quá 03 năm;

Nếu hình phạt đã tuyên trong bản án mà người phạm tội đang phải chấp hành là hình phạt tù có thời hạn và hình phạt đối với tội đã phạm trước khi có bản án mà người phạm tội đang phải chấp hành là cải tạo không giam giữ, thì hình phạt chung là hình phạt tù có thời hạn và thời hạn tù là tổng số thời hạn tù của bản án đang chấp hành cộng với thời hạn tù (được quy đổi từ hình phạt cải tạo không giam giữ áp dụng đối với tội đã phạm trước khi có bản án này) trừ đi thời hạn đã chấp hành của bản án đang có hiệu lực pháp luật, nhưng không quá 30 năm;

Nếu hình phạt đã tuyên trong bản án mà người phạm tội đang phải chấp hành là hình phạt cải tạo không giam giữ và hình phạt đối với tội đã phạm trước khi có bản án mà người phạm tội đang phải chấp hành là tù có thời hạn, thì hình phạt chung là hình phạt tù có thời hạn và thời hạn tù là tổng số thời hạn tù (được quy đổi từ hình phạt cải tạo không giam giữ áp của bản án đang chấp hành) cộng với thời hạn tù áp dụng đối với tội đã phạm trước khi có bản án này trừ đi thời hạn tù (được quy đổi từ hình phạt cải tạo không giam giữ áp của bản án đang chấp hành) đã chấp hành của bản án đang có hiệu lực pháp luật.

Nếu hình phạt đã tuyên trong bản án mà người phạm tội đang phải chấp hành, hình phạt đối với tội đã phạm trước khi có bản án mà người phạm tội đang phải chấp hành hoặc tất cả các hình phạt án mà người phạm tội đang phải chấp hành và hình phạt đối với tội đã phạm trước khi có bản án mà người phạm tội đang phải chấp hành đều là tù chung thân, thì hình phạt chung là hình phạt tù chung thân. Thời hạn đã chấp hành hình phạt theo bản án mà người phạm tội đang phải chấp hành chỉ có ý nghĩa trong việc xét giảm hình phạt trong quá trình thi hành án hình sự.

Nếu hình phạt đã tuyên trong bản án mà người phạm tội đang phải chấp hành, hình phạt đối với tội đã phạm trước khi có bản án mà người phạm tội đang phải chấp hành hoặc tất cả các hình phạt án mà người phạm tội đang phải chấp hành và hình phạt đối với tội đã phạm trước khi có bản án mà người phạm tội đang phải chấp hành đều là tử hình, thì hình phạt chung là hình phạt tử hình. Thời hạn đã chấp hành hình phạt theo bản án mà người phạm tội đang phải chấp hành chỉ có ý nghĩa trong việc xét giảm hình phạt trong quá trình thi hành án hình sự, nếu người đó được ân giảm hoặc hình phạt tử hình được chuyển thành hình phạt tù chung thân theo quy định tại điểm b và c khoản 3 Điều 40 BLHS.

- Trường hợp thứ hai, là khi đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới. Việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp này được thực hiện khi Tòa án xét xử tội phạm mới. Theo đó, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của BLHS. Việc tổng hợp các hình phạt cùng hoặc khác loại của hai bản án trong trường hợp này vẫn phải thực hiện như trường hợp thứ nhất. Điểm khác nhau cơ bản giữa việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp này với trường hợp thứ nhất là chỉ tổng hợp hình phạt mới với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án mà người phạm tội đang phải chấp hành.

Ngoài hai trường hợp nêu trên, khoản 3 Điều 56 BLHS còn quy định cơ chế tổng hợp hình phạt chưa được Hội đồng xét xử tổng hợp. Theo đó, người có thẩm quyền tổng hợp trong trường hợp này là Chánh án Tòa án có thẩm quyền. Thủ tục tổng hợp hình phạt là quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án. Cách thức tổng hợp hình phạt của nhiều bản án trong trường hợp này phục thuộc vào việc tội phạm bị xét xử sau là tội phạm được thực hiện trước hay sau khi bản án thứ nhất có hiệu lực pháp luật. Nếu là tội phạm bị xét xử sau là tội phạm được thực hiện trước khi ban hành bản án thứ nhất, thì việc tổng hợp hình phạt theo trường hợp thứ nhất; Nếu tội phạm bị xét xử sau là tội phạm được thực hiện sau khi ban hành bản án thứ nhất, thì việc tổng hợp thình phạt theo trường hợp thứ hai (nêu trên).

2. Bất cập của pháp luật và hướng hoàn thiện

Theo quy định tại Điều 56 BLHS, thì việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án mới chỉ được quy định đối với trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này. Như vậy, Điều 56 BLHS chưa quy định việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với trường hợp một người chưa chấp hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này. Trường hợp một người chưa chấp hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này bao gồm: đang thi hành án treo mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này; tạm hoãn thi hành án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này. Tuy nhiên: Tại khoản 5 Điều 65 BLHS quuy định trường hợp đang chấp hành án treo mà thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 BLHS; Tại khoản 2 Điều 67 BLHS quy định trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt trước và tổng hợp hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 BLHS. Như vậy, còn hai trường hợp cần thiết nhưng chưa được BLHS quy định việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án. Đó là: (1) Trường hợp một người đang thi hành án treo mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này; (2) Trường hợp một người đang được tạm hoãn thi hành án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này.

Hiện nay, TANDTC mới chỉ hướng dẫn “Trường hợp người đang được hưởng án treo mà lại phát hiện trước khi được hưởng án treo họ đã thực hiện một tội phạm khác thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm đó và không tổng hợp hình phạt với bản án cho hưởng án treo. Trong trường hợp này, người phạm tội phải đồng thời chấp hành 02 bản án và việc thi hành án do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”. Tuy nhiên, nội dung hướng dẫn “người phạm tội phải đồng thời chấp hành 02 bản án và việc thi hành án do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”[2] là không ổn. Bởi lẽ:

- Thứ nhất, nếu hình phạt áp dụng đối với tội phạm được thực hiện trước khi được hưởng án treo là tù giam, tù chung thân thì không thể cho người bị kết án hoãn chấp hành hình phạt tù giam hoặc tù chung thân để thi hành án treo xong mới thi hành. Còn nếu thi hành hình phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân thì không thể nói rằng người đó sẽ đương nhiên được chấp hành án treo trong trại giam;

- Thứ hai, mặc dù Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nêu “… do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự” nhưng Luật Thi hành án hình sự không có quy định nào về trường hợp này.

Theo chúng tôi, thi hành án treo không có nghĩa là người phạm tội chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Bởi lẽ, án treo không phải là hình phạt mà chỉ là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Nghĩa là, người đang thi hành án treo chưa chấp hành hình phạt tù được tuyên trong bản án phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Việc Tòa án cho được hưởng án treo trong điều kiện họ là người đã thực hiện hành vi phạm tội và tội phạm ấy vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là không thỏa mãn điều kiện “nhân thân tốt”. Do vậy, về thủ tục tố tụng hình sự thì phải coi việc phát hiện người đó thực hiện tội phạm trước khi có bản án treo là tình tiết mới và là một trong những căn cứ kháng nghị tái thẩm để hủy bản án cho bị cáo được hưởng án treo và xét xử lại vụ án. Tuy nhiên, nếu tiến hành tố tụng theo các thủ tục như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian và mục đích cuối cùng cũng chỉ là không cho hưởng án treo đối với tội phạm đã xét xử và tổng hợp hình phạt của bản án xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án treo đó.

Đối với trường hợp đang hoãn chấp hành hình phạt tù mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này thì phải tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc chung quy định tại Điều 56 BLHS.

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi đề nghị:

- Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 65 BLHS như sau:

“Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm  nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này hoặc thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này”.

- Thứ hai, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 67 BLHS như sau:

“Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này hoặc lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này”.

TS. NGUYỄN MAI BỘ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

[1] Điều 55 BLHS quy định việc quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, trong đó có nooiij dung tổng hợp các loại hình phạt khác nhau

[2] Xem: Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Điều 7.

2987

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]