18/01/2020 09:19

Trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện và các bản án liên quan

Trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện và các bản án liên quan

Thời hiệu khởi kiện vụ án còn hay không, có áp dụng thời hiệu khởi kiện hay không là một trong những câu hỏi bắt buộc phải trả lời khi giải quyết bất kỳ vụ tranh chấp nào.

Vì vậy, để phục vụ cho công việc, nghiên cứu bài viết sau đây sẽ tổng hợp các vụ án tranh chấp không áp dụng thời hiệu khởi kiện thường gặp. Cụ thể như sau:

1. Trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong vụ án dân sự

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tuy nhiên, tại Điều 155 Bộ luật dân sự 2015 quy định các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện bao gồm:

- Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản;

- Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

- Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai 2013;

- Trường hợp khác do luật quy định.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, trong một số trường hợp, các mốc thời gian sau đây sẽ không được tính vào thời hiệu khởi kiện, cụ thể: 

- Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu;

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép;

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.

- Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong các trường hợp sau:

+ Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;

+ Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

2. Một số vụ án mà Tòa án không áp dụng thời hiệu khởi kiện

Bản án 30/2018/DS-PT ngày 25/01/2018 về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang

- Trích dẫn nội dung: "Hội đồng xét xử xét thấy, theo điểm b khoản 3 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012 ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao quy định đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Bà N, ông N khởi kiện yêu cầu hủy giao kèo mua bán nhà đất và yêu cầu bà T hoàn trả số tiền đã nhận nên không áp dụng thời hiệu khởi kiện."

Bản án 132/2018/DS-PT ngày 15/10/2018 về tranh chấp tiền lãi theo hợp đồng vay và mua bán tài sản

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk

- Trích dẫn nội dung: "Đây là hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn và có lãi. Đến kỳ hạn trả nợ bị đơn không trả nợ cho nguyên đơn nhưng đến ngày 05/7/2016 nguyên đơn mới yêu cầu cấp có thẩm quyền giải quyết thì đã quá thời hiệu khởi kiện (thời hiệu khởi kiện theo Điều 427 BLDS năm 2005 là 2 năm; thời hiệu khởi kiện theo Điều 429 BLDS năm 2015 là 3 năm). Nên, căn cứ vào điểm b khoản 3 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao quy định “...Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung"

Bản án 18/2019/DS-PT ngày 18/06/2019 về tranh chấp đòi lại tài sản

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị

- Trích dẫn nội dung: "Tại Điều 2 của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc Hội về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định đối với các tranh chấp phát sinh trước ngày 01/1/2017 thì  áp dụng quy định về thời hiệu tại Điều 159 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011. Tại điểm a khoản 3 Điều 159 BLTTDS năm 2011 quy định tranh chấp về đòi lại tài sản thì  không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Tại điểm b khoản 3 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 quy định đối với tranh chấp về đòi lại tài sản thì  không áp dụng thời hiệu. Vì  vậy, Công ty H có quyền khởi kiện đòi lại tài sản là có cơ sở."

Bản án 02/2019/DSST ngày 12/02/2019 về tranh chấp hợp đồng cầm cố và đòi lại tài sản

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long

- Trích dẫn nội dung: "Ông Bùi Văn K đại diện theo ủy quyền của ông Huỳnh Văn N và bà Lê Thị U yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu tranh chấp hợp đồng hợp đồng cầm cố vì cho rằng thời hiệu khởi kiện đã hết. Hội đồng xét xử xét thấy ông H yêu cầu ông N, bà U yêu cầu trả lại 3.5 lượng vàng 24k (sau đây gọi là 35 chỉ vàng 24k) là chỉ đòi ông N trả lại tài sản là 35 chỉ vàng 24k nên theo quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật dân sự năm 2015 không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu khởi kiện trên."

Bản án 20/2018/DS-ST ngày 15/11/2018 về kiện đòi tài sản cho mượn là nhà ở và quyền sử dụng đất

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng

- Trích dẫn nội dung: "Về thời hiệu khởi kiện: Đây là quan hệ tranh chấp kiện đòi tài sản không áp dụng thời hiệu khởi kiện nên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được Tòa án xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật."

Bản án 41/2018/DSST ngày 15/05/2018 về tranh chấp chia quyền sử dụng đất, chia di sản thừa kế

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định

- Trích dẫn nội dung: "Đối với yêu cầu chia quyền sử dụng đất, căn cứ khoản 3 Điều 155 Bộ luật dân sự 2015, Điều 185 Bộ luật tố tụng dân sự nên không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Đối với yêu cầu chia di sản thừa kế thì ông Đào T - chết 28/5/2015 và Đoàn Thị B - chết ngày 25/01/1989, căn cứ Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 thì còn thời hiệu khởi kiện."

Bản án 10/2018/DS-PT ngày 22/01/2018 về tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang

- Trích dẫn nội dung: "

Chị T, anh H xác định anh A và anh C đó có hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của vợ chồng anh chị, nên yêu cầu phải bồi thường thiệt hại và xin lỗi công khai. Theo quy định tại Điều 24 Bộ luật dân sự năm 2005 (khoản 1 Điều 25 Bộ luật dân sự năm 2015) thì danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân thuộc quyền nhân thân, là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác. Do vậy, cần xác định đối tượng mà nguyên đơn yêu cầu được bảo vệ là quyền nhân thân bị xâm phạm theo quy định tại Điều 25 Bộ luật dân sự năm 2005 (Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015). Theo quy định tại khoản 1 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 160 Bộ luật dân sự năm 2005 (khoản 1 Điều 155 Bộ luật dân sự năm 2015), đối với yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân bị xâm phạm thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự."

Nguyễn Sáng
6092

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]