22/10/2020 07:39

Nguyên tắc xác định ranh giới giữa các thửa đất liền kề và những bản án liên quan

Nguyên tắc xác định ranh giới giữa các thửa đất liền kề và những bản án liên quan

Tranh chấp ranh giới đất là một tranh chấp rất phổ biến hiện nay. Vậy đối với những tranh chấp này khi khởi kiện, Tòa sẽ giải quyết như thế nào và với những lập luận ra sao?

1. Ranh giới đất đai là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật đất đai 2013 “Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ.”

Ranh giới sử dụng đất đai được xác định bằng mốc giới cụ thể do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất hoặc cho thuê đất thực hiện khi giao đất, cho thuê đất trên thực địa; được ghi trong quyết định giao đất, cho thuê đất và được mô tả trong hồ sơ địa chính.

2. Nguyên tắc xác định ranh giới giữa các thửa đất liền kề

Tại Điều 175 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về ranh giới giữa các bất động sản liền kề như sau:

– Việc xác định ranh giới sẽ dựa trên thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.

Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.

– Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.

Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác

Ngoài ra, cách xác định ranh giới thửa đất cũng được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/05/2014.

3. Một số Bản án về tranh chấp ranh giới đất

Bản án 93/2020/DS-PT ngày 25/05/2020 về tranh chấp ranh giới quyền sử dụng đất và yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

+ Trích dẫn nội dung: " Nguồn gốc đất của ông S, bà C là do cha của ông S tên Nguyễn Văn O để lại cho ông sử dụng và ông đã kê khai được cấp giấy chứng nhận QSD đất thửa số 607, tờ bản đồ số 01, diện tích 2.025m2, qua đo đạc thực tế 1.506,2m2, mục đích sử dụng là đất T, cấp ngày 06/11/1995, việc ông S đi kê khai được cấp giấy không có đo đạc thực tế, cấp giấy theo bản đồ giải thửa 299. Theo bà C trình bày trong quá trình sử dụng, ranh giới giữa phần đất của ông S và bà H có bờ ruộng của ông S làm ranh, còn phía đất bà H, ông H1 là đất ao. Phần đất ông S có trồng tràm và gáo trên đất cách ranh đất bà H, ông H1 khoảng 4,5m đến 5m, bà C xác định ranh đất giữa đất ông S và bà H là các mốc M9, M10, M2, A, M3 thể hiện trên sơ đồ tranh chấp ranh đất ngày 10/9/2015. Ông H1, bà H cho rằng ranh đất giữa hai bên là các mốc M8, M4, M11, M3, chứ không phải ranh đất theo yêu cầu của bà C."

+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Bản án 55/2019/DS-PT ngày 19/11/2019 về tranh chấp ranh giới quyền sử dụng đất

 + Cấp xét xử: Phúc thẩm.

 + Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

+ Trích dẫn nội dung: "Hiện tại do hiện trạng sử dụng đất của thửa 206 và 207 (theo bản đồ lập năm 1978) của hộ ông N và hộ ông S có rất nhiều thay đổi nên bản thân ông N, ông S và cả chính quyền địa phương đều không xác định được ranh giới giữa thửa 206 và thửa 207. Thực tế trong quá trình sử dụng đối với đất ông N, ông S khi cụ E1 còn sống hay hộ ông T, ông R và ông H khi cụ G2, cụ T2 và cụ Đ1 còn sống cũng chưa bao giờ đo đạc trên thực tế, số liệu trên sổ sách do các cụ tự kê khai theo ghi chú tại sổ mục kê lập năm 1974. Do đó, diện tích trên sổ sách và thực tế sẽ không trùng khớp , hơn nữa quá trình sử dụng hiện trạng có nhiều thay đổi. Điều này giải thích vì sao khi xảy ra tranh chấp các cơ quan chức năng giải quyết tiến hành đo đạc đất của các bên thì kết quả có sự chưa trùng khớp về số liệu."

 + Kết quả giải quyết: Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Bản án 04/2019/DS-ST ngày 29/11/2019 về tranh chấp ranh giới quyền sử dụng đất

 + Cấp xét xử: Sơ thẩm.

 + Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Thái Bình.

+ Trích dẫn nội dung: "Từ tháng 6/2017 ông T, bà V cho rằng ranh giới giáp thửa đất của ông S, bà N có sự thay đổi do ông S, bà N đã tự ý xây tường bao theo đó ông S xây lấn sang phần đất của ông cụ thể: phía mặt đường rộng 0,3m và phía thủy lợi rộng 1,3m chạy dài theo thửa đất 19m, nên tổng diện tích lấn chiếm là 15m2. Ông S, bà N không nhớ thời gian xây dựng bức tường và cho rằng không lấn chiếm đất của ông T, bà V. Kết quả xác minh cho thấy tháng 6/2017 ông S, bà N đã tự ý xây tường bao phần tiếp giáp giữa đất của ông Sang, bà N với đất của ông T, bà V. Qua khảo sát đo đạc thấy ông S, bà N đã xây bờ tường dài 19,11m và có lấn sang đất của ông T, bà V."

+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Bản án 28/2018/DS-PT ngày 19/01/2018 về tranh chấp dân sự - ranh giới quyền sử dụng đất

 + Cấp xét xử: Phúc thẩm.

 + Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

+ Trích dẫn nội dung: "

Trong quá trình sử dụng đất thì hộ bà D và hộ bà A đi kê khai đăng ký và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc kê khai đăng ký thực hiện đúng trình tự tại thời điểm cấp giấy nhưng không có đo đạc thực tế. Phần đất của bà D đang có tranh chấp thuộc thửa số 1, tờ bản đồ số 6 có diện tích theo giấy chứng nhận là 2.011m2 loại đất vườn; giáp ranh với đất của bà D là đất của hộ bà Võ Thị A có diện tích được cấp theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 777m2  thuộc thửa số 3, tờ bản đồ số 1 loại đất thổ + vườn. Căn cứ vào biên bản xem xét thẩm định tại chỗ và bản đồ trích đo khu đất thì phần diện tích đất thực tế mà hai bên đang sử dụng đều thiếu so với diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Bởi vì, khi kê khai đăng ký quyền sử dụng đất các bên đều không được đo đạc thực tế nên không có căn cứ để xác định diện tích bị thiếu của hộ bà D là do bên bà A lấn chiếm, vì diện tích đất của hộ bà A cũng bị thiếu so với diện tích trên giấy chứng nhận."

 + Kết quả giải quyết: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Bản án 08/DS-PT ngày 23/09/2015 về tranh chấp ranh giới quyền sử dụng đât và yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản

 + Cấp xét xử: Phúc thẩm.

 + Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang.

+ Trích dẫn nội dung: "Trong vụ án này nguyên đơn cho rằng khi xây nhà bị đơn đã xây nhà đè lên một phần móng nhà của nguyên đơn và yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn phải trả lại diện tích đất đã xây lấn sang đất của nguyên đơn và bồi thường thiệt hại phần móng nhà bị hư hỏng do bị xây đè lên. Diện tích đất mà nguyên đơn đề nghị Tòa án xem xét giải quyết là phần đất nằm giữa ranh giới quyền sử dụng của nguyên đơn và bị đơn, không liên quan đến quyền sử dụng đất của các gia đình khác liền kề."

 + Kết quả giải quyết: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Nguyễn Sáng
20542

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]