04/09/2020 16:20

Tuyển tập bản án về tranh chấp lối đi chung

Tuyển tập bản án về tranh chấp lối đi chung

Tranh chấp lối đi chung là là loại tranh chấp diễn ra khá phổ biến trong cuộc sống. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp này như: lối đi liền kề, đi qua nhà có đất hai bên không thỏa thuận được việc mở lối đi chung hoặc lối đi chung bị tranh chấp do quyền sử dụng đất thuộc sỡ hữu của một trong hai bên nhưng chưa được thể hiện rõ ràng trên giấy tờ hay pháp lý, dẫn tới việc tranh chấp lấn chiếm, san lấp gây khó dễ cho các bên còn lại. Dưới đây, là một số tình huống thực tế về tranh chấp lối đi chung:

I. Quy định pháp luật về lối đi chung

Tại Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về quyền về lối đi qua như sau:

- Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

- Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.

Như vậy, quyền về lối đi qua bất động sản liền kề chỉ được áp dụng khi bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản khác và không có lối nào để đi ra đường công cộng.

Đồng thời, khi mở lối đi cũng phải đáp ứng các điều kiện về vị trí, giới hạn, chiều rộng, chiều dài, chiều cao của lối đi do các bên tự thoả thuận và bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại, ít gây phiền hà cho các bên liên quan.

II. Một số bản án về tranh chấp lối đi chung

Bản án về tranh chấp lối đi chung số 30/2019/DS-PT

- Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Trích dẫn nội dung: "Xuất phát từ việc cho rằng con đường có chiều rộng 03 mét, tổng diện tích 780m2 thuộc tiểu khu 194 dẫn vào vườn của mình, hộ ông B và hộ ông N là đường đi chung, do vợ chồng ông T, bà S cản trở không cho các hộ trên sử dụng nên ông Ngô Đ Th có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định con đường đi mà các bên đang tranh chấp là lối đi chung của các hộ gia đình phía trong đất của vợ chồng ông T, bà S; bị đơn không đồng ý vì cho rằng đây là lối đi riêng của gia đình ông, bà nên các bên phát sinh tranh chấp"

Kết quả giải quyết: Hủy Bản án số 09/2018/DS-ST ngày 16/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ R, tỉnh Lâm Đồng về việc “Tranh chấp lối đi chung” giữa vợ chồng ông Ngô Đ Th, bà Bùi T Th1 và vợ chồng ông Lê V T (Lê T T), bà Phan Thị K S, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vợ chồng ông Hà V B, bà Phạm T T1, vợ chồng ông Hoàng V N, bà Nguyễn T Th2 và Ban quản lý rừng phòng hộ Srp; chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Đ R, tỉnh Lâm Đồng giải quyết lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Bản án 19/2019/DSST-ST ngày 23/08/2019 về tranh chấp quyền lối đi chung

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Trích dẫn nội dung: "Con đường tranh chấp rộng 02m có diện tích 180m2 thuộc phần diện tích đất hở của 2 tờ bản đô số 18 và 41 xã L, huyện B, tỉnh Lâm Đồng chưa được đo đac, cấp giấy chứng nhận QSD đất cho ai có nguồn gốc là do vợ chồng ông H, bà B tạo lập và chừa làm lối đi cho Bà T từ năm 1996. Năm 2007, khi bán phần diện tích đất còn lại cho vợ chồng ông Th, bà Tr thì vợ chồng ông H, bà B tiếp tục để con đường này làm lối đi chung cho vợ chồng ông Th, bà Tr và bà Tiến. Theo lời khai các bên thì trước đây con đường này trước có 01 hàng cây chè nhưng năm 2008, vợ chồng ông Th, bà Tr tự ý nhổ bỏ hàng chè và trồng cây cà phê trên lối đi, qua xem xét thẩm định tại chỗ thì trên lối đi rộng 02m này có 20 cây cà phê."

Kết quả giải quyết: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Bà Tr ần Thị T về việc “Tranh chấp quyền về lối đi chung” đối với bị đơn vợ chồng Ông Trần Đình Th, bà Nguyễn Thị Kim Tr.

Bản án 01/2018/DS-PT ngày 17/01/2018 về tranh chấp sử dụng lối đi chung

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Trích dẫn nội dung: "Trong vụ án này, đồng bị đơn là ông Đ và bà M đều khai nguồn gốc đất là do nhận chuyển nhượng từ bà Vũ Thị D từ năm 1996. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành biện pháp thu thập chứng cứ: Không có lời khai của bà D về nguồn gốc đất chuyển nhượng cho ông Đ, khi chuyển nhượng đất cho ông Đ, bà có chuyển nhượng cho ông Đ cả phần lối đi nhà ông N hay không? Hiện trạng con đường đi tại thời điểm bà chuyển nhượng đất cho gia đình ông Đ? Tại Tòa án cấp sơ thẩm đồng bị đơn chỉ xuất trình giấy tờ chuyển nhượng viết tay, không có chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm rõ nguồn gốc đất đang tranh chấp."

- Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các đồng bị đơn: Ông Nguyễn Trọng Đ, bà Trần Thị M. Huỷ toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2017/DS-ST ngày 19-9-2017 của Toà án nhân dân huyện Y, tỉnh Yên Bái và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân huyện Y giải quyết lại vụ án.

Bản án 132/2018/DS-PT ngày 12/10/2018 về tranh chấp đòi lại lối đi chung

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Trích dẫn nội dung: " Biên bản xác nhận ranh giới, mốc giới ngày 10-6-2008 (Bút lục 186) để cấp quyền sử dụng đất cho Trường Tiểu học Y 3 có phần giáp ranh với Nguyễn Hoàng B1 chứ không phải là đường đi như trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Trường Tiểu học Y 3. Sự xác định ranh giới này phù hợp với “Tờ hiến đất” của ông Nguyễn Văn Dvào ngày 05-10-1997, thể hiện: “phía đông giáp ruộng nuôi thủy sản của tôi, phía tây giáp tuyến lộ chính, phía nam giáp hộ ông Trương Quang B, phía bắc giáp hộ ông Nguyễn Văn Luận”. Như vậy khi hiến đất ông D đã hiến hết phần diện tích đất của ông cho Trường Tiểu học Y 3 và Trường đã đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hết toàn bộ phần diện tích đất mà ông D đã hiến và không chừa lại phần diện tích lối đi nào trên phần đất của ông D như nguyên đơn, ông Thuấn và ông Bảo trình bày."

- Kết quả giải quyết: Chấp nhận đơn kháng cáo của các bị đơn ông Nguyễn Hoàng B1 và bà Trương Thị B2; Sửa bản án dân sự sơ thẩm 29/2018/DS-ST ngày 19 tháng 6 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Z, tỉnh Sóc Trăng về việc “Tranh chấp về đòi lại lối đi chung”

Các bạn có thể tham khảo thêm một số bản án sau đây:

Bản án 04/2018/DS-PT ngày 18/01/2018 về tranh chấp lối đi chung và buộc chấm dứt hành vi cản trở việc sử dụng lối đi chung

Bản án 34/2018/DS-PT ngày 04/09/2018 về tranh chấp lối đi chung và di dời tài sản trên đất

Bản án 1004/2019/DSPT ngày 11/11/2019 về tranh chấp lối đi chung, cản trở quyền sở hữu nhà

Bản án 140/2018/DS-PT ngày 19/12/2018 về tranh chấp lối đi chung và yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản

Bản án 50/2018/DS-PT ngày 10/11/2018 về tranh chấp yêu cầu mở lối đi chung, bồi thường thiệt hại lợi ích kinh tế

Bản án 25/2017/DS-ST ngày 31/08/2017 về công nhận lối đi chung; đòi lại diện tích đất bị lấn chiếm; yêu cầu tháo dỡ công trình trên đất; hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Như Ý
13506

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]